TOPICA: Từ bàn tay của Bill Gates đến startup hàng đầu Đông Nam Á về giáo dục trực tuyến
Sau hơn một thập kỷ, từ sự nghi ngại, TOPICA trở thành cái tên đầu tiên mà người ta nghĩ đến khi có nhu cầu học trực tuyến. Bằng công nghệ, startup này đem lại những thay đổi lớn cho ngành giáo dục Việt Nam.
- 01-12-2019CEO An ninh mạng Viettel: Giải pháp an ninh mạng cũng như trang bị vũ khí, không ai muốn bị phụ thuộc vào nước ngoài
- 23-11-2019CEO Viettel IDC: Điểm chung của các cơ quan Nhà nước “lên đám mây” thành công là làm dứt điểm, dám vứt bỏ cái cũ!
- 31-10-2019Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay
Năm 2002, trở về Việt Nam sau thời gian tu nghiệp tại nước ngoài, ông Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TOPICA nghĩ đến việc làm một nền tảng thương mại điện tử hoặc kinh doanh trực tuyến nhưng gặp khá nhiều khó khăn.
"Tôi đã khám phá một vài ý tưởng khởi nghiệp nhưng luôn thiếu nhân sự lành nghề" - trả lời phỏng vấn Nikkei Asian, ông Tuấn nói - "Vì vậy, tôi nghĩ cách giải quyết điều này".
Công nghệ chính là chìa khóa giải quyết những vấn đề mà ông Tuấn suy nghĩ.
Bắt đầu từ công việc tại Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn quản lý của Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Tuấn cùng các giảng viên xây dựng Chương trình đào tạo trực tuyến và Hợp tác quốc tế CRC-TOPIC.
Năm 2006, Chủ tịch Microsoft - Bill Gates và Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Gia Khiêm (thời đó) đã khởi động TOPIC64, một dự án phát triển cơ sở hạ tầng học trực tuyến trên 64 tỉnh thành của Việt Nam. Ông Phạm Minh Tuấn tham gia dự án trong vai trò là một lập trình viên.
Sau đó, một khóa học thử nghiệm với Học viên Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) được tổ chức. Giáo sư giảng bài từ Mỹ qua mạng và cung cấp bài giảng quay sẵn cho 30 sinh viên Việt Nam theo học tại Hà Nội, với hai nghiên cứu sinh người Việt ở Mỹ làm trợ giảng. Trên Forbes, ông Tuấn kể lại: "Khi thi chung đề với sinh viên MIT, sinh viên Việt Nam nhận số điểm A và A- nhiều hơn (không có A+, tức là xuất sắc như một người của MIT)".
Họ bèn tìm hướng phát triển dài hạn chương trình giáo dục trực tuyến chất lượng cao. Năm 2008, Tổ hợp công nghệ giáo dục TOPICA chính thức được thành lập với 20 người. Bám theo những bước phát triển của TOPICA là có thể thấy được lịch sử phát triển của giáo dục trực tuyến (EdTech) tại Việt Nam.
Trong thời gian đầu, nhắm vào đối tượng người học cần lấy bằng đại học nhưng không có đủ điều kiện về kinh tế và thời gian, TOPICA hợp tác với 16 trường đại học trong và ngoài nước để cung cấp các chương trình đào tạo trực tuyến cấp bằng cử nhân. Những "khách hàng" đầu tiên được cấp bằng đã cho thấy ngay sự thay đổi của giáo dục nhờ Internet. Nhưng sau đó tác dụng của giáo dục trực tuyến mới thực sự bùng nổ khi nhu cầu về văn bằng 2 của người học tại Việt Nam tăng mạnh mẽ.
Đánh giá về giáo dục trực tuyến, ông Tuấn tnói: "Nếu chỉ tìm các giải pháp theo cách cũ như xây trường, đào tạo giảng viên thì e rằng sẽ rất nan giải. Thế hệ công nghệ e-learning mới sẽ đưa ra nhiều giải pháp đột phá".
TOPICA Native ra đời năm 2013, nhanh chóng đánh chiếm thị trường bằng chương trình phát triển kỹ năng giao tiếp thông qua việc luyện nói hàng ngày với Giáo viên Âu – Mỹ – Úc.
Cho đến nay, rất nhiều người tại Việt Nam vẫn "ghim" vào đầu suy nghĩ "Tiếng Anh cho người đi làm - học tại TOPICA". TOPICA Native ghi dấu ấn là đơn vị đầu tiên trên thế giới phát triển ứng dụng luyện nói qua Google Glass cho học viên tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Tiếp tục cho ra đời những sản phẩm giáo dục trực tuyến "bắt trend" với nhu cầu của thị trường trong phân khúc cao cấp, TOPICA IVY hợp tác với các tổ chức danh tiếng, các trường Đại học và các chuyên gia lớn trên thế giới để đào tạo các chương trình như TOPICA Founder Institute, TOPICA IVY English, TOPICA Executive và TOPICA Professional dành cho các doanh nhân và lãnh đạo.
Trong đó, TOPICA Founder Institute là vườn ươm khởi nghiệp duy nhất tại Việt Nam có các startup gọi được vốn đầu tư hàng triệu USD. Nơi này đã bồi dưỡng một thế hệ các doanh nhân trẻ, là nhà sáng lập của các startup nổi bật như Appota, Atadi, Kyna, Wefit, Logivan, Monkey Junior…
Các sản phẩm nói trên của TOPICA được xây dựng với mô hình e-learning, tức dựa trên sự phát triển của công nghệ web, Internet và các kỹ thuật truyền video/audio. Nhưng sự phát triển của giáo dục trực tuyến không dừng lại ở e-learning. Ý định khởi nghiệp với một nền tảng thương mại điện tử của ông Phạm Minh Tuấn năm 2002 đã trở lại bằng siêu thị khóa học Edumall – sản phẩm đang được đánh giá là "gà đẻ trứng" cho TOPICA.
Truy cập vào website của Edumall, người dùng sẽ thấy nó như một sàn thương mại điện tử tương tự Adayroi, Shopee, Tiki… Chỉ khác là thay vì các loại hàng hóa tiêu dùng thì tại đây, hàng nghìn khóa học ngắn hạn được giao dịch, trải rộng trong mọi lĩnh vực từ nấu ăn, chăm sóc sức khỏe sắc đẹp… cho đến lập trình.
Edumall là nơi mà các giáo viên hoặc bất kỳ người có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực nào đó đăng tải và rao bán khóa học của mình. Người mua tùy ý lựa chọn khóa học phù hợp. Theo số liệu từ Similarweb, Edumall có từ 1,3 – 1,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Edumall hỗ trợ giảng viên bằng cách quay phim, biên tập hình ảnh và sản xuất hậu kỳ chuyên nghiệp cho video bài giảng. Quyền sở hữu, quyền tác giả được quy định cụ thể đối với từng đối tác dựa vào thỏa thuận giữa hai bên.
Thầy Thành - giáo viên dạy toán tại Nghệ An từng bán khóa học giải toán trên Edumall cho rằng, các giáo viên sẽ có lợi ích từ thu nhập thụ động do chỉ cần thực hiện bài giảng một lần qua video và sau đó, hưởng doanh thu từ việc bán sản phẩm. Họ cũng được lợi "ké" từ các hoạt động truyền thông marketing của Edumall. Nếu không đồng ý với tỷ lệ chiết khấu của Edumall, giáo viên cũng có một vài lựa chọn sàn khóa học trực tuyến khác để bán bài giảng.
Với học viên, Edumall là nơi có thể "mua" bất kỳ kỹ năng, kiến thức về một lĩnh vực nào đó, ngay khi họ cần.
Đây là một giải pháp để TOPICA có lợi thế trước sự cạnh tranh khốc liệt trong tương lai của EdTech tại Đông Nam Á. Ông Tuấn chia sẻ với Nikkei Asean: "Nhiều nghề nghiệp mới sẽ xuất hiện và mọi người đang nhảy việc khá nhiều. Chúng tôi sẽ trang bị cho họ bất kì kĩ năng nào họ cần, ở mọi thời điểm".
Ông Phạm Minh Tuấn từng gây sốt với bài chia sẻ trên Facebook cá nhân "Làm startup giống như thi Ironman". Trong 11 năm, với những chặng phát triển của doanh nghiệp cũng như thị trường EdTech thì có thể nói, TOPICA đã "thi" Ironman rất nhiều lần. Để chinh phục cuộc đua đó, startup này có gì?
Trong một bài phỏng vấn, ông Tuấn cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất với một startup chính là nhà sáng lập và đội ngũ cộng sự. Startup ứng dụng công nghệ để làm thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống nhưng đội ngũ nhân sự phải có hiểu biết về ngành kinh doanh đó. 12 founder ban đầu của TOPICA đều là giảng viên đại học. Với lợi thế của người trong ngành giáo dục, họ có thể thấu hiểu và biết cách thuyết phục các giảng viên tham gia vào một hình thức đào tạo mới mẻ.
Nhưng cái khó nhất của TOPICA khi mới ra đời chính là việc người dùng không đón nhận, với tâm lý "học thực còn chẳng ăn ai nữa là học online". Không có khách, không có tiền để trả lương cho nhân sự - để vượt qua điều đó, đội ngũ cộng sự buộc phải có niềm tin rằng người đứng đầu sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
"Thuyết phục mọi người đi theo mình đã khó nhưng giữ được họ còn khó khủng khiếp hơn. Lương lúc đó lúc trả lúc không, sản phẩm cũng chẳng có gì. Cái duy nhất tôi có là niềm tin" – ông Tuấn kể lại.
"Chìa khóa" thành công thứ 2 của TOPICA, có lẽ là việc sẵn sàng bỏ qua sai lầm để làm lại và tìm ra mô hình đúng. Ông Tuấn quan điểm, startup mắc sai lầm liên tục nhưng nếu sai thì nên bỏ qua, không quan trọng lỗi tại ai, quan trọng là chấp nhận và tiếp tục chiến đấu. Tìm ra mô hình đúng, startup sẽ tăng trưởng rất mạnh. Chính vì thế, TOPICA đã "suýt chết" đến 10 lần vì những sai lầm, nhưng thành công từ những quyết định đúng – được rút ra sau những sai lầm đó – có thể bù lại tất cả và đem đến quy mô, vị thế như bây giờ.
Một điều đặc biệt ở TOPICA là những startup nội bộ. CEO Phạm Minh Tuấn cho biết, tại đây, một giám đốc dự án chỉ cần tuân thủ một số nguyên tắc chung là có thể toàn quyền quyết định mọi việc thuộc về dự án, và sau đó bảo vệ kế hoạch trước hội đồng đầu tư.
"Các dự án startup nội bộ chỉ cần 2 chữ ký là có thể duyệt chi trong 18 tháng đầu tiên vận hành, làm việc giống như một startup nhỏ" – Ông Tuấn nói.
Và ấn tượng về TOPICA – qua lời chia sẻ của ông Tuấn – là văn hóa thẳng thắn: Nói thẳng thì được thưởng, nịnh sếp thì bị phạt.
Trở lại với bài chia sẻ "Làm startup giống như thi Ironman", CEO của TOPICA đã chỉ ra nhiều bài học, trong đó ông nói về sức bền. Chỉ cần tiến bộ 1% mỗi ngày, sau một năm bạn sẽ tiến bộ gấp 38 lần. Nếu hôm nay chỉ chạy được 1km, sau 365 ngày liên tục tiến bộ bạn sẽ chạy được 38km.
"Vài năm đầu tiên của một startup cũng sẽ có cảm giác ì ạch. Nhưng nếu bạn đặt mục tiêu tiến bộ đều đặn hàng tuần, hàng tháng cho mình và team, chính bạn sẽ bất ngờ với những kết quả ngoạn mục" – CEO Phạm Minh Tuấn nhắn nhủ.
Vượt qua những tháng năm "ì ạch" bởi sự quay lưng của thị trường trong thời gian đầu, TOPICA đã nỗ lực tốt hơn mỗi ngày, cho ra đời những sản phẩm giáo dục đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, đem đến những cải tiến vượt bậc cho ngành giáo dục Việt Nam cũng như nhiều nước ở Đông Nam Á.
Sau hơn một thập kỷ, từ sự nghi ngại, học trực tuyến đã trở thành lựa chọn đầu tiên của nhiều người nhờ sự linh hoạt về thời gian, địa điểm và cả chi phí. Chất lượng giáo dục cũng được khẳng định và ngày càng nâng cao nhờ sự ra đời của những công nghệ mới, xóa bỏ sự cách biệt về không gian giữa người học và người dạy.
Cũng trong thời gian đó, TOPICA trở thành cái tên đầu tiên mà người ta nghĩ đến khi có nhu cầu học trực tuyến, không chỉ ở Việt Nam. TOPICA được đánh giá là startup giáo dục trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á. Vào tháng 11/2018, Tập đoàn Northstar tại Singapore đã quyết định đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn series D cho TOPICA. Đây là thương vụ đầu tư lớn nhất từ trước tới nay trong khu vực Đông Nam Á dành cho một doanh nghiệp EdTech.
Bằng công nghệ, Tổ hợp này đã đem lại những thay đổi rất lớn cho ngành giáo dục, tạo ra những giải pháp và sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, cả từ phía người học và từ phía doanh nghiệp – nơi tiếp nhận nhân sự. Thông tin trên website cho biết, 97% học viên từ TOPICA tìm thấy việc làm, 34% tìm được việc ưng ý hơn và mức tăng lương trung bình là 16%. Hàng nghìn người đã tìm thấy giải pháp học tập phù hợp và cơ hội tăng thu nhập từ việc chia sẻ kiến thức.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người ta nói nhiều đến dữ liệu lớn Big Data, trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo VR… tại nhiều lĩnh vực và giáo dục trực tuyến cũng không nằm ngoài xu hướng. Trong sản phẩm đào tạo tiếng Anh cao cấp, TOPICA IVY từng tạo tiếng vang khi ứng dụng công nghệ thực tế ảo từ năm 2017. Với công nghệ này, khi kết nối với giảng viên đang sống tại nước ngoài, người học có thể cảm nhận được sự hiện diện của người dạy cùng chính không gian xung quanh đó, như đang đi du học thực sự.
Mới đây, TOPICA cho ra đời TOPKID – sản phẩm đào tạo tiếng Anh trực tuyến cho trẻ em, được quảng bá là ứng dụng AI, Big Data trong giảng dạy, cá nhân hóa chương trình cho từng trẻ bằng cách thiết kế từng bài giảng và phương pháp học phù hợp với mỗi em. Nhờ đó, có thể giúp trẻ em học tập đúng nhu cầu và có trải nghiệm học tập thích thú.
Là một sản phẩm mới, TOPKID chưa được người dùng kiểm chứng, nhưng nó mở ra những thay đổi mới mẻ tiếp theo của giáo dục trực tuyến khi ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất.
Ông Phạm Minh Tuấn đánh giá, lĩnh vực EdTech đang tương đương vị thế của thương mại điện tử cách đây 10 năm, hay ứng dụng gọi xe của 5 năm về trước và hiện tại là thời gian chuẩn bị trước khi mọi thứ bắt đầu chuyển động chóng mặt.