TP. HCM thí điểm mở lại chợ truyền thống
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, để “chia lửa” với hệ thống siêu thị đang quá tải, Thành phố sẽ cho chợ truyền thống thí điểm hoạt động trở lại ở các khu vực an toàn.
- 17-07-2021Tìm cách 'sống chung' với dịch COVID-19
- 17-07-2021Thành lập Ban Quản lý các Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam
- 17-07-2021[Infographic] Cập nhật hai kịch bản, ba giải pháp kinh tế Việt Nam 2021
Theo đó, một số tiểu thương có đủ năng lực cung cấp các mặt hàng thiết yếu là cá, thịt, rau, củ quả sẽ được chọn để bán tại chợ và chia ca bán theo giờ, theo buổi. Hàng hóa được chia sẵn theo từng túi, đồng giá để giao dịch diễn ra nhanh. Người dân chia ca đến mua hàng hoặc người bán sẽ giao tận nhà, thực hiện quy định 5K, lấy hàng, để lại tiền, hạn chế tiếp xúc. Sau đó xem xét kết quả để mở bán thí điểm thêm các mặt hàng thịt heo, gạo, thủy hải sản…
Mới đây Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin: “Bộ Công thương khuyến cáo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố phía Nam cần cải thiện hệ thống cung ứng hàng hoá dịch vụ đến tay người dân như mở thêm các điểm chợ lưu động, mở lại chợ truyền thống với những điều kiện cụ thể”.
Bộ trưởng Công thương nêu rõ các điều kiện: chỉ bán mặt hàng rau củ quả tươi sống; giãn cách theo công thức 5K; phát phiếu cho người dân vào chợ để bảo đảm mật độ vừa phải; ưu tiên tiêm vaccine cho tiểu thương và xét nghiệm 3-5 ngày một lần để không lây lan dịch ra cộng đồng.
Về công tác chăm lo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận các đối tượng lang thang, cơ nhỡ nơi công cộng, đưa vào các trung tâm xã hội. Tính đến ngày 16/7, đã có 220.000/232.000 đối tượng (mất việc, bán vé số, người gặp khó khăn, ...) được hỗ trợ với kinh phí 330 tỷ đồng. Đồng thời các quận, huyện cũng vận động nguồn lực xã hội, mạnh thường quân để chăm lo kịp thời cho các đối tượng khó khăn với hơn 100 tỷ đồng kêu gọi được.
Để tập trung điều trị các ca F0 nặng, kéo giảm số ca tử vong, Thành phố đã xây dựng bản đồ các khu cách ly tạm thời, bệnh viện điều trị ở các mức độ khác nhau. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thiết lập hệ thống quản lý, điều phối ca F0 trên địa bàn, tăng cường vai trò của đơn vị quản lý để kịp thời điều phối F0 đến các bệnh viện phù hợp nhanh nhất có thể.
Trong bối cảnh lây nhiễm phức tạp, số ca F0, F1 gia tăng, hệ thống y tế đang quá tải, thì tình trạng người dân tụ tập đông người vẫn diễn ra, dễ lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh tăng cường lực lượng kiểm tra, phân công lực lượng tại chỗ, tự quản lý người ra vào và hoạt động các khu cách ly, phong tỏa, Thành phố kêu gọi người dân hãy chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, quy định của Chỉ thị 16, chia sẻ thông tin chính thống và đấu tranh với các thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.