TP. HCM xin nâng tỷ lệ ngân sách được giữ lại lên 23%
Đề xuất này được UBND TP. HCM nêu tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ.
- 12-05-2021Doanh thu du lịch của TP.HCM trong 4 tháng đầu năm tăng 17%
- 11-05-2021Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Thế mạnh, tiềm năng phát triển của Khánh Hoà còn rất lớn
- 11-05-2021IEA: Cơ chế ưu đãi tại Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ là động lực giúp sản lượng năng lượng tái tạo đạt kỷ lục
Theo đó, UBND TP. HCM cho biết, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại hiện nay đang là khó khăn, thách thức đối với thành phố. Cụ thể, TP. HCM là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%) nhưng tỷ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước.
Cụ thể, từ năm 2017, tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách của TP. HCM đã giảm từ 23% xuống còn 18%. Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực cho ngân sách thành phố.
Năm 2020, thành phố đã xây dựng đề án "Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. HCM giai đoạn 2022 - 2025", tổ chức trên 30 cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học.
Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy, phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết là 23% cho giai đoạn 2022 - 2025 như giai đoạn 2011 - 2016, đã cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí số thu ngân sách chuyển nộp về Trung ương tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% cho ngân sách TP.
Thành ủy TP. HCM đã có tờ trình kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. HCM giai đoạn 2022 - 2025 là 23%.