TP.HCM chưa chốt phương án diện tích bình quân gần 20m2/người để đăng ký thường trú
UBND TP.HCM vừa giao Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố (TP) tiếp tục lấy ý kiến, đánh giá tác động của dự thảo quy định diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức so với quy định cũ (5m2 sàn/người theo Nghị định số 107/2007/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành).
Đồng thời, bổ sung mối tương quan giữa quy định này với chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân người đến năm 2020 (19,8m2/người theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X).
Theo báo cáo dự thảo của Sở Xây dựng TP.HCM, qua nhiều lần góp ý chỉnh sửa từ các cuộc họp trước, Sở Xây dựng đã có kết luận về công tác nghiên cứu quy định về diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP.HCM.
Cụ thể, khu vực 1 gồm 5 huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè và Hóc Môn quy định 10m² sàn/người. Khu vực 2 gồm 19 quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức diện tích là 18,06m²/người.
Những huyện ngoại thành hiện nay mật độ dân số chỉ khoảng 1.000 người/km2, trong khi đó khu vực nội thành mật độ dân số đã lên đến 13 nghìn người/km2. Do đó, cần tính toán quy định diện tích bình quân tối thiểu của khu vực nội thành cao hơn ngoại thành từ 1,5 đến 2 lần để góp phần giãn dân từ nội thành ra ngoại thành. Có quan điểm lại đề nghị cần cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Lý do, hạn chế việc tập trung quá đông dân vào khu vực trung tâm là cần thiết, nhưng nên thực hiện bằng những giải pháp kinh tế, còn can thiệp bằng biện pháp hành chính như hạn chế nhập hộ khẩu thì thực tế vẫn không ngăn được số lượng dân di cư vào khu vực đô thị mà chỉ gây thêm khó khăn cho người dân.
Theo các đơn vị tham gia nghiên cứu, việc đề xuất diện tích khu vực 2 diện tích gần gấp đôi khu vực 1 là nhằm hạn chế sự gia tăng dân số cơ học tại khu vực trung tâm và các quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, góp phần làm giảm áp lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội lên các quận huyện này nhằm từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Đó là chưa kể, hầu hết người dân nhập cư đến TP.HCM không phải vì muốn có hộ khẩu thường trú mà họ muốn có việc làm trang trải cuộc sống, tìm cơ hội khởi nghiệp. Do vậy, nếu họ không đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú thì họ sẽ đăng ký tạm trú.
Việc cơ quan quản lý tăng điều kiện để được đăng ký hộ khẩu vào TP Hồ Chí Minh không những không ngăn được nhập cư mà còn làm những người nhập cư muốn có hộ khẩu thành phố phải lách luật, tạo cơ hội cho tiêu cực, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự xã hội…
Trước những tồn tại nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, Sở Xây dựng trước khi trình thành phố ban hành nên lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Một giải pháp được hiến kế là, cần quy định chênh lệch diện tích bình quân tối thiểu phân chia theo hai khu vực nội thành và ngoại thành.