TPHCM: Sốt xuất huyết, tay chân miệng vào mùa cao điểm
Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm hàng năm của bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, kết quả giám sát dịch tễ cho thấy, trong 8 tuần gần đây, số ca bệnh nhập viện hàng tuần có khuynh hướng đi ngang, tương đương năm 2017. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 12.282 ca sốt xuất huyết.
Các bác sĩ cho biết, thời tiết mưa nhiều vẫn là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết lây lan và xuất hiện nhiều trong thời gian tới.
Cùng với đó, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện có khuynh hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây. Chỉ riêng trong tuần qua đã có 286 ca, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước đó.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết, bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh. Trong tháng 8, số ca đến khám liên quan đến bệnh sốt xuất huyết là 1.010 ca, tăng 41,46% so với tháng 7. Số ca nhập viện điều trị sốt xuất huyết là 492 ca, tăng trên 48% so với tháng 7. Trong tháng 9, số ca sốt xuất huyết cũng đang tiếp tục tăng. Trung bình mỗi tuần, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận khoảng 300 ca đến khám và hơn 100 ca nhập viện điều trị.
Số trẻ mắc tay chân miệng cũng tăng đột biến trong tháng 8. Tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trong tháng 8 đã có 425 ca tay chân miệng, tăng gấp đôi so với tháng 7.
Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang “gồng mình” vì quá tải bệnh nhi tay chân miệng. Chỉ trong 3 tuần trở lại đây, số ca mắc đã tăng gấp 5 lần so với thời gian trước. Hiện nay, trong khoa đang điều trị khoảng 180 bé, trong đó có 25 – 30 ca nặng, 10 trường hợp phải thở máy, 4-5 ca phải lọc máu và đã có một trường hợp tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa nhi cảnh báo đây cũng là thời điểm bệnh tay chân miệng đáng phải lưu ý do đây là mùa tựu trường (nhà trẻ và trường học là môi trường dễ lây lan bệnh tay chân miệng nhất) nên tình hình bệnh khả năng diễn biến phức tạp.
Trung tâm y tế dự phòng thành phố đã tăng cường các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như kiểm soát điểm nguy cơ, xử lý dứt điểm ổ dịch, áp dụng các kỹ thuật phun hóa chất khác nhau, đồng thời khuyến cáo người dân không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng trong nhà, và xung quanh, ngủ phải mắc màn, dọn dẹp dụng cụ chứa nước bẩn...
Đối với bệnh tay chân miệng, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát tại các nhà trẻ, nhóm trẻ, hướng dẫn kiểm soát bệnh trong trường lớp, nhất là ở nhóm trẻ, trường mẫu giáo.
Sốt xuất huyết và tay chân miệng là hai bệnh truyền nhiễm hiện nay chưa có vắc xin dự phòng, vì thế, để phòng bệnh hiệu quả, ngoài các hoạt động của các đơn vị y tế, người dân cũng cần có ý thức phòng bệnh cho bản thân và gia đình, tránh để dịch bệnh lây lan.
Infonet