MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trả phí lãi tiền gửi tăng đột biến, một số ngân hàng đang phải hy sinh gần hết lợi nhuận

06-06-2016 - 14:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu huy động càng nhiều vốn thì ngân hàng càng dồi dào thanh khoản, đẩy mạnh cho vay và từ đó tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế tại một vài ngân hàng thì không phải như vậy!

Tăng trưởng huy động vốn bùng nổ tại SCB

Từ đầu năm 2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng thương mại là SCB, TinNghiaBank và Ficombank. Đến nay, kết quả "ba người góp gạo thổi cơm chung" thấy tương đối rõ, ngân hàng này đã thoát khỏi tình trạng mất thanh khoản, huy động vẫn tăng trưởng tốt và nợ xấu đang từng bước giảm dần.

Cụ thể, SCB đã cải thiện đáng kể tình trạng thanh khoản, năng lực tài chính thông qua các giải pháp tăng vốn điều lệ, gọi vốn của nhà đầu tư nước ngoài, củng cố giá trị tài sản đảm bảo, đẩy mạnh xử lý nợ...

Đáng chú ý, những năm gần đây đặc biệt năm 2014-2015 thị trường chứng kiến sự tăng trưởng huy động vốn bùng nổ của SCB. Huy động tiền gửi tăng 34,9% trong năm 2014, rồi tăng tiếp 29% trong năm 2015. Huy động trên thị trường liên ngân hàng tăng lên 25,9 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2014, đến năm 2015 giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao trên 23 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên đằng sau việc tăng trưởng nóng về tốc độ huy động vốn lại ẩn chứa nhiều nỗi băn khoăn.

Theo BCTC hợp nhất quý I/2016 của SCB, cho vay khách hàng đạt 185 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi của khách hàng đạt 278 nghìn tỷ, tăng 27%.

Mặc dù cho vay khách hàng của SCB khá tốt, nằm trong top các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cho vay cao nhất trong quý I nhưng thu nhập lãi thuần của SCB bất ngờ chỉ đạt gần 181 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là do thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm hơn 5%, trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự tăng tới gần 17% cùng kỳ. Trong báo cáo này, SCB đã không công bố phần thuyết minh chi tiết do vậy chúng tôi chưa có được cụ thể con số trả lãi tiền gửi là bao nhiêu.

3/4 lợi nhuận của Sacombank "trôi" đi đâu?

Tương tự trường hợp của SCB, lợi nhuận quý vừa qua của Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank - mã: STB) - sau khi sáp nhập với SouthernBank cũng đang bị cắt lẹm lớn vì chi phí trả lãi tăng đột biến.

Là ngân hàng niêm yết công bố sớm nhất báo cáo tài chính đầy đủ quý vừa qua, Sacombank cho biết kết thúc quý I/2016, ngân hàng ghi nhận chưa đầy 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ bằng ¼ kết quả cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận trong quý I sụt giảm mạnh chủ yếu là do thu nhập lãi thuần giảm hơn 700 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý I chỉ đạt 1.238 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng cho vay đến 42% so với quý I năm trước, vậy vì sao thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm mạnh đến như vậy?

Theo giải trình của ngân hàng, trong kỳ tiền gửi của khách hàng tăng 60% và lãi suất huy động cũng tăng nên chi phí trả lãi tiền gửi đã tăng 63%, tương đương tăng gần 1.240 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tăng trưởng cho vay tại Sacombank rất tốt, tuy nhiên trong năm qua, ngân hàng này đã hạ lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi do vậy, thu nhập từ lãi cho vay cũng thuyên giảm nhiều.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên