MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trà Vinh: Trồng mía thua lỗ, nông dân bán đất, bán nhà để trả nợ

04-06-2018 - 17:16 PM | Thị trường

Những khó khăn đang tiếp tục chồng chất lên đôi vai người nông dân ở Trà Vinh khi cây mía đang dần chết khô trên đồng ruộng. Ở đó, nhiều nông hộ đã phải nuốt nước mắt mang đất đai đi cầm cố vì vỡ nợ.

Bán mía đã khó, chờ lấy tiền còn khó hơn

Những ngày qua, nông dân trồng mía huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã cầu cứu chính quyền địa phương can thiệp, yêu cầu Nhà máy Mía đường Trà Vinh trả nợ tiền mua mía của dân. Ông Sơn Đông (xã Kim Sơn, Trà Cú) cho biết: Vụ mía này, gia đình ông trồng hơn 1ha, thu hoạch được hơn 40 tấn. Sau khi “chờ dài cổ” được nhà máy thu mua, thì phải chịu thêm cảnh nợ tiền. “Nhà máy mua mía, nhưng 1 tuần mới trả tiền 1 lần, có khi cả tháng. Trong khi vụ mía năm nay, giá bán thấp, chi phí tăng cao, nông dân còn biết bao chi phí phải trang trải, khó khăn thêm chồng chất” - ông Đông nói.

Trước đó, khi nông dân trồng mía bước vào vụ thu hoạch thì bất ngờ, Cty CP mía đường Trà Vinh lấy lý do đang tiến hành cải tạo, nâng công suất nhà máy lên 4.000 tấn mía/ngày. Do quá trình thi công cải tạo gặp trở ngại về thời tiết, kỹ thuật nên tiến độ hoàn thành bị chậm so với kế hoạch, việc thu mua mía cho người dân diễn ra chậm hơn.

Ghi nhận của PV cho thấy, nhiều nông hộ bán mía cho nhà máy đã hơn 3 tháng nay nhưng chỉ nhận được số tiền từ 20 - 30%, thậm chí, nhiều hộ vẫn chưa nhận đồng nào. Trong khi đó, theo hợp đồng cam kết của nhà máy là sẽ thanh toán tiền mua mía của nông dân chỉ từ 3 - 5 ngày.

Nhà máy thu mua chậm, giá bán thấp, nay nông dân phải đợi cả tháng mới nhận được tiền, điều này không chỉ khiến các hộ trồng mía gặp nhiều khó khăn mà cả thương lái cũng rất bức xúc vì không có tiền chi trả nhân công, trong khi lực lượng này phần lớn là hộ nghèo. Có thời điểm, mía bán không được, dần chết khô trên đồng ruộng, bà con kêu bán 200 đồng/kg cũng chẳng ai mua.

Cầm cố dây chuyền để trả nợ

Bà Nguyễn Thị Ánh (chủ đại lý Ánh Hơn, chuyên đầu tư và thu mua mía ở Trà Cú) cho biết: Vụ mía năm nay, bà đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng cho hơn 400 hộ trên địa bàn vay tiền trồng mía. Đến nay đã có hàng trăm hộ thu hoạch mía xong nhưng không có tiền trả, trong đó rất nhiều hộ yêu cầu bà nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để trừ nợ. “Thiệt tình là tui không muốn lấy đất của bà con, nhưng đã hết cách, bởi tài sản của tui cũng đang thế chấp ở ngân hàng. Hiện tui đã nhận chuyển nhượng hơn 1ha đất của 2 hộ đặc biệt khó khăn. Còn những hộ khác chưa thực hiện, vì đang không có tiền, nên không thể sang nhượng đất của họ” - bà Ánh cho biết thêm.

Ông Lê Hồng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) - cho hay, trước tình hình trên, huyện đã làm việc với Cty CP mía đường Trà Vinh và đề xuất với UBND tỉnh giải pháp cho doanh nghiệp thế chấp hàng hóa vay vốn giải quyết khó khăn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Kim Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho hay, trên cơ sở đề xuất của huyện, vừa qua, Ngân hàng NNPTNT đã khảo sát nhà máy, qua đó, đã đồng ý cho Cty thế chấp 4.000 tấn đường, để vay số tiền 30 tỉ đồng để trả nợ nông dân. Việc nhà máy chậm thu mua và chậm trả tiền cho nông dân là do khó khăn chung của ngành mía đường. Qua làm việc, nhà máy đã cam kết thu mua đủ số mía còn lại cho bà con, hiện tỉnh chỉ còn và trăm ha là thu hoạch dứt điểm, dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 6.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện tại, cả nước có 10 nhà máy kết thúc niên vụ sản xuất mía đường 2018, ép được 11,7 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,1 triệu tấn đường. Tính đến ngày 15.4, lượng đường tồn kho đã lên tới 680.273 tấn, khiến nhiều nhà máy rơi vào tình cảnh lao đao, việc trả tiền mía cho nông dân bị chậm lại.

Theo Trần Lưu - Trần Tuấn

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên