MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái cây đồng bằng bao giờ vươn ra biển lớn?

04-09-2016 - 09:55 AM | Thị trường

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 307.000ha cây ăn trái, trong đó có trên 120.000ha trồng các loại cây đặc sản cho sản lượng hằng năm khoảng 3,5 triệu tấn trái.

Tuy nhiên, các loại trái cây này chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng nên chưa thể cạnh tranh về giá so với trái cây nhập khẩu.

Theo Sở NNPTNT Tiền Giang, hiện nay, trên địa bàn tỉnh này có nhiều loại nông sản đạt tiêu chuẩn “GAP”. Trong đó, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào tháng 6.2008 nhưng đã hết thời gian tái chứng nhận lại. Hàng loạt nông sản được chứng nhận VietGAP như: Khóm Queen của HTX Tân Lập chứng nhận VietGAP ngày 28.8.2009, với diện tích 22ha cho 30 hộ; chôm chôm Java của THT chôm chôm Tân Phong chứng nhận VietGAP ngày 6.7.2011 cho 16,6ha của 34 hộ nông dân; nhãn tiêu da bò của THT Nhị Quý chứng nhận VietGAP vào ngày 5.9.2011 cho 15,3ha của 27 hộ; thanh long của THT thanh long Chợ Gạo chứng nhận VietGAP vào ngày 12.1.2011 cho 19,74ha của 21 hộ… Tuy nhiên, nhiều nông sản này sau đó cũng không có kinh phí để tái chứng nhận trở lại.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, “phong trào” xây dựng GAP cho nông sản cũng khá rầm rộ. Nhưng sau đó, các mô hình được chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP cũng đang “sống dở, chết dở” vì không có kinh phí tái chứng nhận, nông dân bắt đầu quay lưng với GAP. Ngoài ra, sản xuất manh mún, nhà vườn vẫn còn chạy theo phong trào, không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng “trồng chặt” liên tục xảy ra.

Theo ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang - trong sản xuất trái cây, đa số nhà vườn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa theo chuỗi giá trị. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP chưa nhiều, do chi phí chứng nhận cao và phải tái chứng nhận sau 2 năm; giá bán giữa 2 sản phẩm an toàn và không an toàn chưa chênh lệch về giá nhiều, gây khó khăn cho người dân khi tham gia thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Do thiếu thông tin về thị trường nên người sản xuất rất lúng túng trong việc quyết định đầu tư. Sản xuất chưa theo yêu cầu thị trường và công tác dự báo thị trường còn nhiều yếu kém trên thực tế chưa trở thành công cụ hướng dẫn sản xuất.

Vấn đề liên kết là cực kỳ quan trọng. Đây chính là chìa khóa của sản xuất hàng hóa. Còn nếu không liên kết được thì các mặt hàng nông sản không thể vươn ra thị trường xuất khẩu được. Ông Nguyễn Văn Của (THT sầu riêng Bình Hòa B, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết: Nông dân trồng sầu riêng theo quy trình GlobalGAP rất khó khăn, nhưng khi thu hoạch thì “bán đổ, bán tháo” cho thương lái, giá cả trong mô hình ngang bằng với giá ngoài mô hình. Chính điều đó, nông dân chán nản, quay lại phương thức sản xuất truyền thống và xin ra khỏi mô hình.

Bà Nguyễn Thị Hồng Dung - Giám đốc Cty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Bảy Ngũ Hiệp (tỉnh Tiền Giang) - cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng với điều kiện nông sản đó phải đạt chất lượng và đủ số lượng. Vì Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản là những thị trường lớn, bán được giá cao nhưng đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Vì vậy, chúng tôi mong rằng doanh nghiệp và nông dân cần nhận thức rõ được tầm quan trọng của sự liên kết để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành hạ”.

Vấn đề quan trọng là phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất giữa các địa phương với nhau thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt.

“Ở đây, vai trò của nhạc trưởng có ý nghĩa quyết định sự thành bại của liên kết sản xuất và điều tiết rải vụ, nhạc trưởng phải điều tiết được tất cả các địa phương trong vùng cho sản phẩm đó…” - tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - khẳng định.

Trái cây đồng bằng muốn vươn ra biển lớn phải cần những cái “bắt tay” thật chặt giữa các nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) và các tỉnh, thành (13 tỉnh, thành và vùng Đông Nam Bộ) với nhau.

Theo Trần Lưu - Thanh Giang

Lao động

Trở lên trên