Trầm trồ khi thấy đoàn tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông vận hành
Sáng nay 13-10, cả đoàn tàu gồm đầu tàu và các toa tàu màu xanh chạy dọc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) đã khiến những người dân chứng kiến trầm trồ, bàn tán.
- 07-10-2017Cận cảnh thiết bị đặc thù của đường sắt Cát Linh - Hà Đông
- 05-10-2017Cháy trong công trường nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông
- 05-10-2017Lỡ hẹn chạy thử, phủ bạt 2 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông
- 03-10-2017Ngắm 3 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông tại ga đầu mối từ trên cao
- 03-10-20174 toa tàu Cát Linh - Hà Đông nhập từ Trung Quốc đã về Hà Nội
Sáng nay 13-10, nhiều người dân đi đường bất ngờ khi thấy cả đoàn tàu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) được kéo bởi xe công trình chạy dọc tuyến trên đường Nguyễn Trãi.
Theo hình ảnh được nhiều người dân chứng kiến ghi lại cho thấy, chiếc xe công trình màu vàng đã kéo đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông gồm 4 toa, một xe công trình màu vàng khác chạy theo nhằm khóa đuôi đoàn tàu.
Đoàn tàu chạy với vận tốc chậm, quãng đường di chuyển là từ trung tâm Derpot đến điểm cuối là ga Cát Linh dài 13 km trên cao. Người dân cho rằng đoàn tàu đang được cho chạy thử.
Đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông hoạt động sáng 13-10-Nguồn: facebook Bui Ba Linh
Tuy nhiên, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đoàn tàu được xe công trình kéo đi nhằm phục vụ hoạt động thi công, không phải là hoạt động vận hành chạy thử.
Đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông hoạt động sáng 13-10 - Nguồn: Facebook Bui Ba Linh
Vẫn theo vị lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt, hình ảnh mà mọi người nhìn thấy sáng nay 13-10 là đoàn tàu được kéo đi để phục vụ thi công, căn chỉnh trên ray, tại các ga, bởi nhiều vị trí thi công đòi hỏi phải có đoàn tàu để đảm bảo chính xác tuyệt đối và đồng bộ với hệ thống thiết bị chạy tàu.
Sau khi được kéo về ga Cát Linh, đoàn tàu sẽ được để lại ga vài ngày để phục vụ thi công. Sau đó, đoàn tàu này tiếp tục được kéo đi các ga khác, các vị trí khác trên dự án để phục vụ thi công.
Trước đó, sáng 28-9, một toa tàu màu vàng mang biểu tượng đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chạy dọc đường ray trên cao của dự án. Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi thấy hình ảnh của toa tàu và cho rằng dự án đã bắt đầu được vận hành thử nghiệm.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào chiều cùng ngày 28-9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định không phải chạy thử, mà chỉ là chạy thông trên đường ray để kiểm tra đường ray.
"Để vận hành tàu chạy thử nghiệm có liên quan đến nhiều yếu tố. Sau khi thông đường ray còn phải thông đường điện và thiết bị thông tin. Khi đảm bảo các yếu tố mới tiến hành chạy thử tàu" - Thứ trưởng Đông cho biết thêm.
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được vận hành chạy thử toàn hệ thống vào tháng 10-2017. Tuy nhiên, do dự án bị chậm tiến độ, thiếu vốn nên Bộ GTVT đã lên tiếng thừa nhận dự án này không đạt được kế hoạch đề ra.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD.
Hiện tại, Tổng thầu Trung Quốc đã bàn giao 3 đoàn tàu cho Việt Nam, 10 đoàn tàu còn lại sẽ được bàn giao đến cuối năm 2017. Dù vậy, Bộ GTVT vẫn chưa công bố về thời điểm vận hành thử nghiệm toàn hệ thống dự án.
Người lao động