Trang trại cà phê, biệt thự trái phép giữa rừng phòng hộ
Một khu biệt thự tráng lệ gần 1.700m2 với vườn tược, hồ nước, bao phủ bởi bạt ngàn cà phê đã mọc lên ngay tại khu vực rừng phòng hộ thuộc huyện Bắc Bình, Bình Thuận.
- 19-04-2016Biệt thự trái phép ở Ba Vì: Sai phạm do chuyển giao nhiệm kỳ?
- 14-04-2016Vụ san lấp trái phép ao hồ tại Đông Anh: Việc khắc phục vẫn "giậm chân tại chỗ"
- 06-04-2016Chủ tịch huyện Ba Vì: Có chuyện bỏ lọt 60 “điền viên thôn” xây trái phép ở Ba Vì
Theo điều tra của PV, tại khu vực rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 59 do Ban quản lý rừng phòng hộ Cà Giây (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) quản lý, đã xuất hiện một người chiếm trái phép khoảng 20ha đất xây biệt thự và trồng cà phê.
Chủ của khối tài sản này là ông Nguyễn Hy ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Đáng nói là từ năm 2013, Ban quản lý rừng phòng hộ Cà Giây đã phát hiện sai phạm này, lập biên bản nhưng “ém” lại, không báo cáo với các cơ quan liên quan để xử lý vụ việc.
Xây cõi riêng trong rừng phòng hộ
Khu vực rừng phòng hộ có căn biệt thự của ông Nguyễn Hy nằm tại khu vực giáp ranh giữa Bình Thuận và Lâm Đồng.
Từ phía huyện Bắc Bình không có đường mòn đi vào nơi xây biệt thự, chúng tôi phải nhờ người dân địa phương dẫn đường từ phía xã Đà Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để đi vào.
Khu biệt thự của ông Hy tráng lệ với vườn tược, hồ nước và xung quanh được bao phủ bởi bạt ngàn cà phê. Một thanh niên có mặt tại đây cho biết ông Hy sống ở Đà Lạt nên hay đi đi về về.
Những người địa phương cho biết cách đây vài năm, ông Hy huy động nhân công xẻ rừng, mở đường vào khu vực rừng phòng hộ của huyện Bắc Bình trồng cà phê, sau đó xây dựng biệt thự, nhà kho để sơ chế và chứa cà phê.
Liên lạc với ông Nguyễn Hy qua điện thoại, ông cho biết mình vào đây canh tác hơn 20 năm nay và diện tích hiện nay khoảng 10ha. Về căn biệt thự và nhà kho, ông Hy nói đã xây xong cách đây 6 năm.
Khi được hỏi vì sao lại xây dựng trong rừng phòng hộ, ông Hy nói: “Tôi làm vườn ở đó hơn 20 năm rồi, từ cái nhà gỗ tôi làm dần dần lên. Tôi cũng chả thấy ai tới nên không biết rừng đó là rừng gì nữa”.
Về nguồn gốc đất, ông Hy cho biết ông nhận sang lại của người dân tộc. Tại đây, ông trồng cà phê và cây rừng để “tạo môi trường”.
Còn con đường băng qua đồi núi dẫn vào khu biệt thự, ông Hy nói đường đã có sẵn nên chỉ sửa sơ sơ lại. Ông Hy nói mình không biết khu vực này là đất của tỉnh Bình Thuận.
Chủ biệt thự: kêu tháo dỡ đâu có được!
Nhận được tin báo, ngày 27-4 một đoàn công tác do UBND huyện Bắc Bình và UBND huyện Đức Trọng phối hợp đã vào kiểm tra nhưng không gặp được ông Hy ở đây.
Sau đó, lãnh đạo hai địa phương này đã làm việc với nhau để họp bàn giải quyết trường hợp chiếm đất, xây dựng trái phép của ông Hy.
Biên bản làm việc cho thấy tại thực địa có khoảng 20ha đất bị phá để trồng cà phê và 0,5ha là hồ chứa nước. Ngoài ra còn có công trình xây dựng kiên cố trên diện tích 1.688m2, trong đó có nhà ở, nhà kho.
Đoàn công tác thống nhất hướng xử lý: thành lập tổ để kiểm tra, đo đạc diện tích đất sản xuất; xác định là tự khai phá rừng phòng hộ hay mua lại đất cũ. Từ đó sẽ đề xuất hướng giải quyết.
Riêng về việc xây dựng công trình trái phép trên đất rừng phòng hộ sẽ cương quyết xử lý tháo dỡ và xử phạt hành chính.
Liên quan đến việc một biên bản đã được Ban quản lý rừng phòng hộ Cà Giây lập vào ngày 24-7-2013 nhưng không báo cáo với các cơ quan liên quan để xử lý, ông Lê Đức Liêm - trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cà Giây - giải thích rằng ông mới về làm trưởng ban vào tháng 2-2015, sau khi rà soát lại đến tháng 2-2016 mới biết được vụ việc.
Biên bản năm 2013 được lập dưới thời ông Nguyễn Xuân Thanh làm trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cà Giây, nay ông Thanh đã về hưu. Ông Liêm nói ông cũng không biết vì sao biên bản này không được báo cáo lên cơ quan liên quan để xử lý.
Về việc này, ông Trần Ngọc Tân - phó chủ tịch UBND huyện Bắc Bình - cho biết: do biên bản lập năm 2013 này không được báo lên cấp trên nên UBND huyện không biết.
Trong khi đó, khi hỏi về việc có ai kiểm tra, nhắc nhở gì không thì ông Nguyễn Hy trả lời:
“Không thấy một ai hết, nếu có nhắc nhở, có biên bản thì tôi đã chấp hành rồi. Tôi là người dân làm ở cái rẫy đó mấy chục năm rồi, tôi làm từ từ tôi làm lên, nếu có tháo dỡ gì thì Nhà nước phải cảnh báo trước chớ. Tôi làm xong 6, 7 năm rồi giờ kêu tháo dỡ đâu có được”.