Tranh cãi chuyện tăng lương, tăng giờ làm
Tiền lương tối thiểu vùng cần được xem xét tăng theo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội từng năm…, tất nhiên phải đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động.
- 04-09-2017Kiến nghị Thủ tướng không tăng lương, bảo hiểm
- 17-04-2017Tăng lương, cải cách tiền lương: Phải bắt đầu từ tinh giản biên chế
- 28-02-2017Từ 1/7: Tăng lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức
Đó là những kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị người sử dụng lao động năm 2017, do Bộ LĐ-TB&XH và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức, diễn ra ngày 20-12.
Nhiều chỉ tiêu chưa hợp lý, DN khó khăn
Theo các DN, hiện nay việc tăng lương tối thiểu vùng hằng năm cao nên nhiều DN gặp khó khăn. Cụ thể, một số chỉ tiêu để xác định lương tối thiểu vùng chưa hợp lý, dẫn đến bất cập trong việc định nghĩa mức sống tối thiểu. Nên không biết lúc nào sẽ dừng tăng lương và tăng bao nhiêu mới đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ).
“Vì vậy cần ngừng tăng lương tối thiểu vùng, hoặc 2-3 năm mới xem xét tăng lương một lần. DN sống, lúc đó NLĐ mới có việc làm…” - ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên, nêu kiến nghị.
Đặc biệt, các DN kiến nghị cần bỏ phí công đoàn (DN đóng 2% và NLĐ đóng 1%) vì không mang lại hiệu quả rõ ràng và quá cao. Nếu tính như hiện nay thì 100 NLĐ “nuôi” ba cán bộ công đoàn. Theo đó, các DN đề xuất để chủ sử dụng lao động giữ lại số tiền này để có thể giúp tăng lương cho NLĐ, 1% là niềm mơ ước của NLĐ; hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động.
Đồng tình với những quan điểm trên, bà Đào Thị Huyền, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, kiến nghị trong dự thảo Bộ luật Lao động cần phải sửa đổi giờ làm thêm, theo hướng tăng lên 400-600 giờ/năm. Vì nếu Việt Nam tiếp tục giữ giờ làm thêm như hiện nay thì nhiều DN Nhật Bản sẽ không đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các ngành nghề cần nhiều lao động.
“Các DN khác có thể lách luật để tăng giờ làm thêm nhưng DN Nhật Bản họ rất tuân thủ pháp luật Việt Nam vì ảnh hưởng đến đơn hàng. Vì không được tăng ca nên thu nhập thấp hơn các DN khác dẫn đến không thu hút được lao động để phát triển...” - bà Huyền dẫn chứng.
Trao đổi lại những kiến nghị trên, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ghi nhận những kiến nghị liên quan đến điều chỉnh thời gian làm thêm. Riêng đối với vấn đề tăng lương tối thiểu vùng, ông Quân cho rằng qua khảo sát tại một số khu công nghiệp, đời sống NLĐ còn khó khăn. Vì vậy, tiền lương tối thiểu vùng cần được xem xét tăng theo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội từng năm… Tất nhiên, Nhà nước cũng cần phải xem xét để đảm bảo sự hài hòa lợi ích cho DN và NLĐ.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân trao đổi về những nội dung sửa đổi của Bộ luật Lao động sắp tới. Ảnh: VIẾT LONG
Lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu
Liên quan đến thời gian làm thêm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc làm thêm tăng cao sẽ kéo theo tai nạn lao động tăng. Vì vậy, khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012, Nhà nước đã khống chế theo hướng giảm thời gian làm thêm, đây là một chính sách nhân văn, đúng theo nguyên tắc và phù hợp với xu thế.
Tuy nhiên, đến nay nhiều DN sản xuất theo thời vụ nên rất cần giờ làm thêm để hoàn thành sản phẩm. Bên cạnh đó, bản thân NLĐ mong muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập. Nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các bên cần phải tính toán tăng giờ làm thêm hợp lý, đảm bảo không phải làm việc quá sức để tai nạn xảy ra.
“Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang sửa luật theo hướng tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, quan điểm của tôi phải phù hợp với từng loại hình DN, ngành nghề, có thời gian làm thêm theo thời vụ để giải quyết vấn đề đầu ra của sản phẩm. Nhưng đã làm thêm thì tiền làm thêm phải tăng theo lũy tiến. Chúng ta phải dùng rào cản để tránh làm thêm giờ theo hình thức tăng cường độ lao động mà không phải tăng năng suất lao động. Đây phải trở thành việc thỏa thuận bình đẳng giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ…” - ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, phản ứng: Thứ nhất, việc đề xuất tạm ngừng tăng lương là không thể vì nghị định đã ban hành và lộ trình thực hiện ngày 1-1-2018. Đáng lưu ý là mức lương tối thiểu chưa đáp ứng tối thiểu, kéo theo đó rất nhiều hệ lụy như công nhân lao động không có tích lũy, phải dè sẻn mới đủ sống, con cái phải gửi về quê nhờ người thân chăm nuôi giúp. Thứ hai, công đoàn phí đã được luật hóa và khoản phí này dùng để thay mặt “ông chủ” chăm lo cho NLĐ trong các hoàn cảnh ngặt nghèo. Thứ ba, như trên đã nói, lương tối thiểu không đủ sống nên họ mới làm thêm, bây giờ đề xuất tăng giờ làm thêm là điều khó chấp nhận vì nếu lương tối thiểu đủ sống công nhân họ sẽ có thời gian nghỉ ngơi, học tập và chăm sóc con cái chứ căng sức làm thêm họ đâu có thời gian tái tạo sức lao động và tinh thần thoải mái để làm việc.
Không nên kéo dài lộ trình sửa luật
Liên quan đến lộ trình sửa Bộ luật Lao động , một số DN kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần sớm thúc đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung luật để trình Quốc hội sớm, không nên để đến năm 2019 mới trình như dự kiến. Vì Bộ luật Lao động đã cho thấy nhiều bất cập, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhiều lần lấy ý kiến của DN. Hiện mọi ý kiến đã được Bộ LĐ-TB&XH tập hợp. Nếu chậm trễ sửa đổi thì DN sẽ gặp nhiều khó khăn.
Pháp luật TPHCM