Tranh chấp chung cư 81 Lê Đức Thọ: Điện, nước là vũ khí của chủ đầu tư
Những tranh chấp về phí dịch vụ, vận hành…giữa cư dân và chủ đầu tư chưa được giải quyết thì việc cắt điện, nước để tạo sức ép đã được thực hiện.
Cắt nước căn hộ của Trưởng ban Quản trị toà nhà
Cư dân sống tại chung cư CT3 số 81 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bức xúc vì bị chủ đầu tư (Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Hà Nội - C’land) cắt nước sinh hoạt một cách vô lý.
Việc cắt nước đã diễn ra từ đầu tháng 9, ban đầu, chủ đầu tư chỉ cắt nước của hai hộ gia đình số 1104 và 12B05 nhưng tính đến ngày 25/9 đã có tổng cộng khoảng 18 hộ gia đình bị cắt nước, trong đó có gia đình ông Tạ Văn Giang là Trưởng ban Quản trị toà nhà.
Sáng ngày 26/9, cư dân của chung cư CT3 số 81 Lê Đức Thọ xếp ngổn ngang thùng, xô, chậu… ngoài sảnh toà nhà chờ mua nước từ các xe bồn. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn sau việc cắt nước của chủ đầu tư, nhiều gia đình đã sống trong cảnh không nước 3 tuần nay.
Gần 20 gia đình bị cắt nước nhiều ngày ở chung cư 81 Lê Đức Thọ. (Ảnh người dân cung cấp)
Trước khi cắt nước chủ đầu tư - C’land đều có gửi thông báo lý do là các hộ chưa thanh toán phí quản lý, vận hành, phí trông giữ xe. Tuy nhiên, cư dân CT3 số 81 Lê Đức Thọ thì C’land hiện không phải là đơn vị quản lý vận hành hợp pháp tại tòa nhà nhưng lại chiếm giữ công việc này, không bàn giao cho đơn vị quản lý đã được Ban quản trị ký hợp đồng. Hiện toà nhà đang có hai đơn vị song song vận hành.
Theo phản ánh sau nhiều lần người dân chung cư CT3 số 81 Lê Đức Thọ làm đơn gửi đến UBND phường Mỹ Đình 2 và quận Nam Từ Liêm. UBND phường Mỹ Đình 2 đã yêu cầu chủ đầu tư phải mở nước cho cư dân sử dụng. Tuy nhiên, phía C’land đã không thực hiện.
Nhiều lần chủ đầu tư sử dụng “vũ khí” điện, nước
Câu chuyện cắt nước tại chung cư có tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân không phải là mới. Có nhiều chung cư mà người dân đã bị cắt điện, nước khi không đồng thuận với chủ đầu tư về phí dịch vụ, tổ chức vận hành, diện tích chung riêng…
UBND phường Mỹ Đình 2 đã yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Hà Nội - C’land cấp lại nước cho các hộ dân. |
Trước đây, tại chung cư cao cấp Imperia Garden số 203 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) khi người dân không đồng thuận với chủ đầu tư về mức phí cao trong khi nhiều dịch vụ phục chưa đạt. Nhiều hộ dân phát hiện chênh lệch diện tích căn hộ theo hợp đồng và đo thực tế. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là việc nhiều hộ dân bị chủ đầu tư thông qua đơn vị quản lý tòa nhà cắt nước mang xô, chậu xuống sảnh chính để gội đầu.
Vào tháng 3 vừa qua, chung cư Happy Star Tower (khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) tiếp tục phát sinh tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư - Công ty TNHH Vintep Hà Nội. Sau 2 năm người dân vào ở vẫn chưa bàn giao nhà chính thức, không có hồ sơ bàn giao, hoàn công, thiếu hụt diện tích và không có sổ đỏ, không tổ chức hội nghị cư dân bàn giao quỹ bảo trì… Người dân không đồng tình với chủ đầu tư và không đóng phí dịch vụ, chủ đầu tư đơn phương cắt điện và nước.
Cư dân chung cư 81 Lê Đức Thọ đã treo băng rôn nhiều ngày nay phản đối chủ đầu tư thu phí dịch vụ và không bản giao việc vận hành toà nhà. |
Xuất phát từ những mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư tồn tại nhưng không được giải quyết. Người dân phản ứng bằng việc treo băng rôn, không đóng phí dịch vụ còn chủ đầu tư gây sức ép khi không cấp điện, nước đẩy các mâu thuẫn lên đỉnh điểm.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường những tranh chấp chung cư xảy ra bắt nguồn từ việc một số chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, chất. Cư dân đứng lên đòi quyền lợi là chính đáng.
“Chính quyền, cơ quan quản lý cần có can thiệp ngay, không nên để hiện tượng đó kéo dài. Cơ quan quản lý cần làm rõ là đòi hỏi đó của cư dân có đúng không? Giải quyết các mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cư dân mới ổn định được tình hình. Vai trò của cơ quan chức năng cần được thể hiện rõ khi cư dân và chủ đầu tư không có tiếng nói chung để cùng thoả thuận” - GS. Đặng Hùng Võ góp ý./.
VOV