MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh chấp nhà chung cư: Khi khách hàng và chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung

30-04-2017 - 09:20 AM | Bất động sản

Trong khi luật và những chế tài chưa theo kịp với tình hình thực tế của thị trường bất động sản, theo các chuyên gia pháp lý, việc tranh chấp chắc chắn sẽ tiếp diễn và kéo dài. Bất kỳ dự án bất động sản nào cũng sẽ có những tranh chấp, việc xử lý như thế nào cho hợp tình hợp lý, điểm cốt lõi là chủ đầu tư và người mua nhà phải tìm được tiếng nói chung.

Khách hàng không còn là thượng đế

Dự án Oriental Plaza tọa lạc mặt tiền số 685 Âu Cơ, P.Tân Thành, Q.Tân Phú do CTCP Đầu tư Sơn Thuận (Công ty Sơn Thuận) làm chủ đầu tư. Dự án hiện nay đang trong quá trình bàn giao và nhiều căn hộ vẫn được rao bán trên thị trường. Tuy nhiên, quá trình bàn giao đang diễn ra nhiều bất cập, dẫn tới việc khách hàng và chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung.

Theo hợp đồng mua bán giữa Công ty Sơn Thuận và ông Nguyễn Xuân Quy (chồng) cùng bà Vũ Thảo Vân (vợ) vào tháng 3.2017, căn hộ có diện tích 77,1m2 trị giá hơn 1,9 tỷ đồng, giao hoàn thiện và bên bán phải bàn giao căn hộ chậm nhất là tháng 5.2017. Mọi việc đang tốt đẹp thì xảy ra bất đồng khi bà Vân xin phép chủ đầu tư vào thi công nội thất căn hộ của bà mua tại dự án này.

Theo bà Vân, Công ty Sơn Thuận đồng ý cho gia đình bà vào để thi công nội thất của căn hộ bà mua, tuy nhiên, sáng ngày 22.4, lúc người nhà đang thi công nội thất thì chủ đầu tư huy động người lên đòi khiêng đồ đạc vật dụng trong nhà ra, không cho tiếp tục thi công nội thất. Bà Vân cho biết thêm, người của chủ đầu tư còn dọa sẽ thanh lý hợp đồng, lấy lại căn hộ và không bán cho bà nữa. “Phía chủ đầu tư không đưa ra lý do thỏa đáng và hành xử như vậy là xem thường khách hàng”, bà Vân nói trong bức xúc.

Trước vấn đề trên, trao đổi với ông Bùi Minh Châu, Giám đốc Công ty Sơn Thuận, chúng tôi được biết, lý do là “người trong gia đình đó có hành vi mang tính côn đồ, không hòa nhã, đồ đạc để lung tung bừa bãi trước cửa nhà và kinh doanh ồn ào”. Ông Châu nói sẽ thanh lý hợp đồng với căn hộ này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhiều hạng mục của dự án vẫn đang trong quá trình thi công, mặc dù một siêu thị ở tầng dưới đã đi vào hoạt động nhưng không hề có lưới chắn để tránh vật liệu xây dựng rơi xuống. Điều này rất nguy hiểm, thực tế, chiếc xe ô tô của bà Vân dựng ở khu vực dưới dự án bị vỡ kính dù chưa biết nguyên nhân.

Một cư dân cho biết: “Hiện nay đã chuyển đến để ở, mặc dù khói bụi và lộn xộn một chút nhưng không sao, nhận nhà ở là vui rồi”. “Nhiều hạng mục vẫn đang thi công, nhiều nhà thi công nội thất ồn ào đến 9 giờ đêm, hầu như tầng nào cũng đã có người dọn tới ở đây”, một công nhân tại dự án nói.

Chậm giao nhà là lỗi khách hàng?

Nhiều khách hàng mua căn hộ ở dự án Tổ hợp nhà ở - Nhà ở xã hội Tân Bình (32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình), do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình (Công ty Tân Bình) làm chủ đầu tư, phản ánh về tình trạng chậm giao nhà. Các khách hàng cho biết, đa phần đã đóng đến 95-100% số tiền mua căn hộ. Thế nhưng sau thời gian chậm trễ gần 8 tháng, họ vẫn chưa nhận được nhà. “Đòi nhà” không thành nên sáng 11.2, gần 30 cư dân tìm đến Sở Xây dựng TPHCM cầu cứu.

Tại Dự án Tổ hợp nhà ở - Nhà ở xã hội Tân Bình, nhóm người đi đòi nhà cho rằng, nguyên nhân chính của việc chậm trễ tiến độ là do chủ đầu tư tự ý thay đổi kết cấu công trình dẫn đến việc bị Sở Xây dựng ra quyết định đình chỉ thi công trong một thời gian. Trong khi đó, trả lời với truyền thông, đại diện Công ty Tân Bình lại cho rằng, lý do dẫn đến việc chậm trễ giao nhà là do các cư dân không đóng tiền đúng như trong hợp đồng.

Trong khi luật và những chế tài chưa theo kịp với tình hình thực tế của thị trường bất động sản, theo các chuyên gia pháp lý, việc tranh chấp chắc chắn sẽ tiếp diễn và kéo dài. Bất kỳ dự án bất động sản nào cũng sẽ có những tranh chấp, việc xử lý như thế nào cho hợp tình hợp lý điểm cốt lõi là chủ đầu tư và người mua nhà phải tìm được tiếng nói chung.

Luật sư Trần Thái Bình, Công ty Luật LNT & Partners - Đoàn luật sư TPHCM, cho rằng thời gian qua, nhiều trường hợp người dân mua căn hộ chung cư liên tiếp khiếu kiện chủ đầu tư một phần là do người dân chưa tìm hiểu kỹ về dự án cũng như năng lực của chủ đầu tư trước khi tham gia giao dịch mua bán. Hợp đồng mua bán tại những trường hợp này thường được ký theo đúng mẫu do chủ đầu tư đưa ra, người mua gần như không kiểm soát dẫn tới bị yếu thế khi kiện tụng, tranh chấp.

Để hạn chế tranh chấp, tránh bị thua thiệt, theo luật sư Trần Thái Bình, trước khi thực hiện giao dịch, người mua nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ thông tin pháp lý về dự án: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó phải có ngành nghề kinh doanh bất động sản, giấy phép xây dựng và các giấy phép phục vụ cho xây dựng. Khả năng tài chính của chủ đầu tư cũng cần xem xét kỹ. Điều này có thể đánh giá thông qua năng lực các dự án đã và đang triển khai trên thị thường.'

Theo V.Nguyên - B.Chương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên