MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tránh rủi ro lạm phát: Cần thận trọng khi nới lỏng chính sách tiền tệ

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan chức năng cần thận trọng khi nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Chính sách tiền tệ linh hoạt

Theo TS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam bước đầu đã thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi (về tỷ giá, lãi suất…) từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên thị trường ngoại hối, diễn biến tỷ giá USD/VND đã có sự gia tăng trong quý nhưng mức độ dao động còn thấp xa so với cuối năm 2016, cũng như đầu 2017.

Tránh rủi ro lạm phát: Cần thận trọng khi nới lỏng chính sách tiền tệ - Ảnh 1.

Chính sách tiền tệ vẫn trong tầm kiểm soát (Ảnh minh hoạ: KT) "Chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát", ông Dương nhận định.

Đại diện CIEM tỏ ra khá hài lòng với công tác điều hành chính sách tiền tệ. Ông phân tích, hoạt động điều hành của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thay đổi đáng kể. Cụ thể, từ 23/7, thay vì chỉ sử dụng tỷ giá trung tâm như trước đây, NHNN đã bắt đầu sử dụng các biện pháp khác, như can thiệp giá bán trên thị trường, kết hợp với truyền thông và thu hẹp khoảng cách với thị trường tự do.

"Việc áp dụng các chính sách linh hoạt kết hợp với các hoạt động điều tiết lãi suất VND liên ngân hàng đã giúp giảm áp lực lên tỷ giá, hạn chế tác động của các cú sốc bên ngoài", TS. Dương đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông Dương, việc điều hành tỷ giá trong nửa cuối năm 2018 cũng được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi, đến từ việc duy trì thặng dư cán cân thương mại và tăng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Trong bối cảnh rủi ro từ bên ngoài, áp lực giảm giá trong nước chúng ta đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt giúp giảm thiếu rủi ro bên ngoài tác động đến nền kinh tế trong nước trong ngắn hạn”, TS. Nguyễn Anh Dương nhận định.

Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM dự báo, mức lạm phát bình quân sẽ đạt 3,97% - tức là vẫn nằm trong mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra từ đầu năm.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia cũng cho rằng, một trong những thành công lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô từ đầu năm tới nay là điều hành chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá có rất nhiều sức ép, chính sách tiền tệ đã được điều hành ổn định và rất linh hoạt, chủ động và hợp lý. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế vẫn theo xu hướng tích cực, GDP tăng trưởng cao, quý sau cao hơn quý trước, ngược lại với dự báo từ đầu năm là quý sau sẽ thấp hơn quý trước.

Về lạm phát, TS. Lê Đình Ân lưu ý, lạm phát không phải do yếu tố tiền tệ và vấn đề tiền tệ không đáng ngại. Lạm phát năm nay nhiều khả năng giữ được ở mức 4%, cho dù lạm phát so với tháng 12/2017 có vượt mức 4% một chút vẫn là mức chấp nhận được vì đây là so với thời gian thiểu phát.

“Nếu cuối năm cung tiền có mở một chút thì cũng không có gì đáng lo ngại về lạm phát tiền tệ”, ông Ân nêu ý kiến.

Rủi ro lạm phát

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng, như: về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Tránh rủi ro lạm phát: Cần thận trọng khi nới lỏng chính sách tiền tệ - Ảnh 2.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Ảnh: KT)

Bên cạnh đó, diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, có thể ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu, tỷ giá và sau đó là tăng trưởng kinh tế.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, đồng USD ngày càng mạnh lên khi FED liên tục nâng lãi suất, khiến cho tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục có những biến động tương đối mạnh như thời gian qua.

“Việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị VND trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế”, PGS Nguyễn Đức Thành cảnh báo.

Trên thực tế, lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn tương đối mỏng, tính theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế. Tiếp đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp trong năm 2019 và 2020. Do đó, ông Thành cho rằng, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của đồng Nhân dân Tệ (CNY) so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại.

Trong báo cáo phân tích về chính sách tiền tệ của Việt Nam gần đây, Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch dự báo NHNN sẽ tiếp tục giữ lãi suất tái cấp vốn tại 6,25% trong năm nay và 2019 để cân bằng mục tiêu tăng trưởng và lạm phát. Tuy nhiên, Fitch cho rằng, NHNN vẫn đang dùng mục tiêu tăng trưởng tín dụng là công cụ điều hành tiền tệ chính.

Theo Fitch, tăng trưởng tín dụng ở mức 17-18%/ năm cũng vẫn cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa (11-12%). Đây là điều cần quan tâm, khi tỷ lệ nợ trên GDP khu vực tư nhân đã lên 130,7% năm 2017 (theo World Bank), từ 96,8% năm 2013. Điều này phản ánh tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tín dụng. Đây là cách thức không bền vững.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cung tiền lớn hơn tăng trưởng sẽ khiến giá cả tăng, không tốt cho nền kinh tế. Theo ông Thế Anh, nếu năm nay tăng trưởng có thể đạt hoặc hơn mức mục tiêu 6,7%, chính sách tiền tệ nên thận trọng hơn để tránh rủi ro lạm phát.

“Không cần cố gắng bằng mọi cách để đạt tăng trưởng cao hơn nữa, như vậy rất rủi ro cho nền kinh tế. Nếu đã vượt qua giai đoạn suy giảm, đi vào tăng trưởng ổn định và thực chất thì cần bớt dựa vào tiền tệ, kích thích tín dụng”, ông Thế Anh khuyến cáo./.


Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên