MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh thủ mua ô tô vì sợ thuế tăng

28-03-2017 - 07:45 AM | Thị trường

Dòng xe bán tải đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam có thể phải gánh thêm thuế và phí.

Người tiêu dùng đang thấp thỏm trước thông tin sẽ điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với ô tô bán tải (pick up). Bởi khi tăng thuế, phí thì nguy cơ giá của dòng xe đang rất đắt khách này sẽ tăng mạnh.

“Mua nhanh trước khi giá tăng”

Tại cuộc họp về tình hình nhập khẩu ô tô mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với ô tô bán tải. Qua đó để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này.

Lý do của việc xem xét lại các chính sách thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt là bởi dòng xe này hiện đang được nhiều người dân lựa chọn sử dụng như xe du lịch (di chuyển hằng ngày do không bị cấm vào đô thị). Tuy nhiên, lại có các mức thuế, phí áp dụng thấp hơn nhiều so với dòng xe du lịch.

Thực tế cho thấy hiện nay dòng xe bán tải chủ yếu được nhập khẩu trực tiếp về từ các nước trong khu vực Asean, nhiều nhất là từ Thái Lan đang được hưởng nhiều ưu đãi.

Cụ thể từ 1-7-2016, xe bán tải nhập khẩu trong khu vực ASEAN chỉ phải chịu mức thuế 5% so với 30% của các loại xe du lịch từ chín chỗ trở xuống. Thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe này cũng chỉ ở mức từ 15% đến 25%, thấp hơn rất nhiều so với ô tô dưới chín chỗ. Ngoài ra, phí trước bạ tại Hà Nội và TP.HCM cho ô tô dưới chín chỗ là 12%, trong khi xe bán tải chỉ 2%.

Như vậy, tới đây nhiều khả năng dòng xe bán tải sẽ không được hưởng những lợi thế về thuế, phí như trên nữa. Chính vì thế nhiều đại lý kinh doanh ô tô cho biết những ngày qua lượng khách hàng đến xem xe, đặt mua xe bán tải ngày càng tăng mạnh.

Ông Mai Vinh, chủ đại lý ô tô ở quận Tân Bình, TP.HCM, nói dù chưa có thông tin rõ ràng về việc tăng thuế nhưng đã có không ít khách hàng đến xem xe, có khách đã đặt hàng trước. “Họ lo thời gian tới thuế, phí có thể tăng nên tranh thủ mua ô tô để né thuế” - ông Vinh nhận định.

Ô tô bán tải đang được sử dụng phổ biến do đa dụng, hoạt động được ở nhiều địa hình. Ảnh: QH
Ô tô bán tải đang được sử dụng phổ biến do đa dụng, hoạt động được ở nhiều địa hình. Ảnh: QH

Ông Vinh cho hay hiện nay giá xe bán tải ở mức từ 600 triệu đến trên dưới 1 tỉ đồng tùy loại xe. Nếu điều chỉnh tăng thuế giống như các dòng xe cá nhân dưới chín chỗ thì giá dòng xe bán tải sẽ tăng cao 10%-15%, khi đó doanh số bán hàng của xe bán tải sẽ sụt giảm mạnh.

Anh Thanh Lâm, nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM, phân tích: Khi thuế nhập khẩu từ khu vực Asean về 0% vào năm tới, chắc chắn xe bán tải sẽ về ồ ạt. Để bảo vệ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì chắc chắn Nhà nước sẽ tăng thuế, phí ô tô nhập trong đó có ô tô bán tải. Vì vậy, tôi quyết định mua nhanh trước khi giá tăng.

Người mua chịu thiệt

Là một đơn vị nhập khẩu xe bán tải, tuy nhiên đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đồng tình với đề xuất xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe này.

“Xe bán tải ở Việt Nam được dùng như ô tô cá nhân trong khi lại không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ cũng thấp hơn là không công bằng” - đại diện Thaco nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Lê Hữu Minh, Trưởng phòng Bán hàng tại TP.HCM của Ford Việt Nam, cho rằng nếu tăng thuế, phí thì cả hãng xe lẫn người tiêu dùng đều chịu thiệt. Ông Minh lý giải: “Xe bán tải nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, các hãng phải lên kế hoạch nhập khẩu trước một thời gian về số lượng, giá trị… Vì vậy việc điều chỉnh thuế, phí sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của hãng. Đặc biệt giá xe tăng thì người tiêu dùng chịu thiệt vì phải bỏ ra khoản tiền lớn hơn”.

Bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách hệ thống ô tô đã qua sử dụng của Toyota Việt Nam, cũng cho biết nếu điều chỉnh thuế, phí đối với xe bán tải sẽ tác động mạnh đối với nhiều hãng đang chú trọng vào phân khúc xe bán tải này. “Khách hàng mua ô tô bán tải đều có nhu cầu mua thực. Họ sở hữu dòng xe này để tiện phục vụ cho hoạt động kinh doanh, vừa di chuyển thuận tiện mọi địa hình, vừa chở hàng hóa…” - bà Hiền nhận xét.

Một số chuyên gia nhận định việc điều chỉnh thuế, phí thì người chịu thiệt cuối cùng vẫn chính là người mua ô tô. Bởi việc tăng thuế, phí sẽ được các hãng ô tô tính vào giá bán xe. Hơn nữa, các bộ, ngành cần xem xét kỹ các giải pháp mang tính bảo hộ sản xuất trong nước. Thực tế cho thấy trong hơn 20 năm qua ngành công nghiệp ô tô đã được bảo hộ, hưởng nhiều ưu đãi về thuế, vốn, đất đai song tỉ lệ nội địa hóa đạt thấp, giá bán xe vẫn ở mức cao trong khu vực và chất lượng xe lắp ráp trong nước chưa bằng xe nhập khẩu.

Nghiên cứu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 133 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính: Nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước; tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN); nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với ô tô bán tải (pick-up);

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô; rà soát các chính sách thuế đối với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 2-2017, các thành viên của hiệp hội này bán ra hơn 1.300 xe bán tải các loại, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016.

Năm 2015, doanh số bán tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 16.740 xe, nhưng đến năm 2016 doanh số bán hàng của mẫu xe bán tải đã đạt gần 23.100 xe, chiếm hơn 7,5% thị phần.

Theo Quang Huy

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên