Trên 200 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Con số có thể chấp nhận được!
Bình luận về con số hơn 200 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chia sẻ như vậy.
- 03-01-2017Máy móc tự động hóa, người lao động thất nghiệp
- 03-01-2017Mất cân bằng cơ cấu lao động làm tăng tỷ lệ thất nghiệp
- 22-12-2016"200.000 cử nhân thất nghiệp không phải lỗi của ngành giáo dục"
Theo PGS. TS Dũng, con số trên 200 nghìn lao động có trình độ chuyên môn thất nghiệp chúng ta thấy lớn, nhưng so với thế giới thì con số này có thể chấp nhận được. Tỷ lệ thất nghiệp cao là tình trạng chung của thế giới không chỉ ở mỗi Việt Nam.
Minh chứng cho lời nói của mình, PGS. TS Dũng dẫn chứng: Ở Trung Quốc, năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp chiếm 7% số người trong độ tuổi lao động, giảm còn 4% trong năm 2013. Ngay cả những nước phát triển tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thất nghiệp vẫn cao. Phần Lan là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp có trình độ vẫn chiếm khoảng 12%. "Như vậy con số 431 nghìn lao động đã qua đào tạo thất nghiệp ở nước ta là tình trạng bình thường" - PGS. TS Dũng nói.
PGS. TS Dũng cũng đưa ra con số đáng quan tâm, theo thống kê điều tra dân số nước ta năm 2014 của Tổng cục Thống kê thì trong hơn 90 triệu dân, có khoảng 4,5 đến 5 triệu người có trình độ đại học trở lên, chiếm tỷ lệ 7%. Và với 200 ngàn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm tối đa 4,4%. Trong khi theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, ngưỡng thất nghiệp cần quan tâm là 5%.
Cho rằng con số trên 200 nghìn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp là có thể chấp nhận được, song PGS. TS Dũng cũng cho rằng, chúng ta cần phải quan tâm nghiên cứu những nguyên nhân và các giải pháp để giảm thiểu được con số thất nghiệp này để giảm chi phí của xã hội.
Theo PGS. TS Dũng, nguyên nhân có nhiều, trong đó nhấn mạnh đến việc tư vấn hướng nghiệp còn chưa được chú trọng. "Ở các trường THPT chỉ có một vài giáo viên hướng nghiệp. Các giáo viên hướng nghiệp cũng chỉ được “tập huấn” “cưỡi ngựa xem hoa” cho có. "Việc hướng nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, cần được quan tâm nhiều hơn. Tư vấn hướng nghiệp không chỉ tư vấn cho học sinh, mà còn phải tư vấn cho phụ huynh" - PGS. TS Dũng nhấn mạnh.
Lâu nay hoạt động tư vấn hướng nghiệp đã được một số trường đại học tự thân vận động, tự tổ chức tư vấn và quảng bá. Tuy nhiên, PGS.TS cũng chỉ ra thực tế, các trường mới chỉ lo quảng cáo mà "quên" trách nhiệm của mình là chuyên gia tư vấn. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh và phụ huynh “dở khóc dở cười” với quyết định chọn ngành, chọn nghề của mình. Quan điểm “học đại học để đổi đời” cứ dẫn dắt thế hệ này rồi đến thế hệ khác, dẫn đến việc ai cũng muốn vào đại học.
Ngoài nguyên nhân trên, số người có trình độ thất nghiệp cao còn có nguyên nhân từ chất lượng đào tạo từ các trường đại học. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới, ưu tiên hàng đầu của Bộ là điều chỉnh cơ chế chính sách trong quản lý đại học, quy hoạch và rà soát mạng lưới. Trước hết là cho kiểm định các trường.
Thanh tra