MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triều Tiên ca ngợi kinh tế Việt Nam

Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 cho thấy khả năng Washington muốn giới thiệu đến Bình Nhưỡng một mô hình kinh tế mà nước này có thể cân nhắc.

Trong bài viết đăng tải ngày 27-2, tờ báo ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên Rodong Sinmun khen ngợi nền kinh tế Việt Nam nắm trong tay "tiềm năng tăng trưởng khổng lồ". Theo tờ báo, Việt Nam đang cải cách để cân bằng nền kinh tế, thay vì quá phụ thuộc vào lĩnh vực nông nghiệp như trước đây.

Triều Tiên ca ngợi kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Phái đoàn Triều Tiên thăm nhà máy VinFast Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Việc bài báo của Rodong Sinmun gây chú ý cũng không quá khó hiểu, bởi lẽ giới quan sát cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể nghiên cứu cách ứng dụng quá trình đổi mới của Việt Nam nhân chuyến đi đến đây để dự Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump và tiếp sau đó là thăm chính thức Việt Nam.

Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), sự quan tâm của Triều Tiên đối với nền kinh tế Việt Nam còn thể hiện qua lịch trình của phái đoàn nước này. Cũng trong ngày 27-2, đoàn Triều Tiên đã đến thăm vịnh Hạ Long, một danh thắng thu hút du khách thuộc tỉnh Quảng Ninh, phía Đông thủ đô Hà Nội. Hải Phòng, thành phố cảng và công nghiệp nằm cách Hà Nội khoảng 110 km, cũng nằm trong chương trình tham quan. Đây là nơi đóng "bản doanh" của nhiều doanh nghiệp công nghệ cao thuộc Tập đoàn Vingroup, bao gồm một nhà máy của công ty sản xuất ôtô VinFast. Trong phái đoàn có ông Ri Su-yong, Trưởng Ban Đối ngoại của Đảng Lao động và ông O Su-yong, Trưởng Ban Kinh tế trung ương.

Ngay từ khi Tổng thống Donald Trump công bố Việt Nam là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định Washington muốn giới thiệu đến Bình Nhưỡng một mô hình kinh tế mà nước này có thể cân nhắc.

Kể từ khi bắt đầu đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và từng bước phát triển ấn tượng. Đài CNN dẫn số liệu Cục Thống kê Mỹ cho biết khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ đến Việt Nam và kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chỉ đạt lần lượt 252 triệu USD và 199 triệu USD. Nhưng theo số liệu 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam dự kiến vượt 8 tỉ USD, còn kim ngạch nhập từ Việt Nam đạt 45 tỉ USD.

"Mô hình Việt Nam đặc biệt có sức hút với Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho rằng tạo dựng quan hệ tốt với Mỹ có thể mở ra môi trường phù hợp và các điều kiện cần thiết để họ đạt được động lực phát triển kinh tế" - ông Tong Zhao, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua (Trung Quốc), đánh giá. Và tất cả những gì Triều Tiên cần làm, theo quan điểm của Mỹ, là từ bỏ chương trình hạt nhân!

Donald Trump: Kinh tế Việt Nam đáng tự hào

Hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trưa 27-2, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: "Chúng tôi đều hài lòng khi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh rất quan trọng này ở Việt Nam, bởi đất nước các bạn thực sự cho thấy điều gì có thể xảy ra khi có tư duy tốt".

Tổng thống Mỹ cũng nói về kinh tế của Mỹ và Việt Nam, đồng thời khẳng định ông "tự hào" trước những gì Việt Nam đạt được.

Theo Hải Ngọc

Người lao động

Trở lên trên