Triều Tiên, Cuba có gì hấp dẫn với Viettel?
Sau một vài lần đến Cuba, Tổng giám đốc Viettel nhận thấy, viễn thông di động ở đây với nhiều người dân vẫn còn là một thứ gì đó xa xỉ...
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters mới đây, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Lê Đăng Dũng đã tiết lộ Viettel đang quan tâm tới thị trường Cuba và Triều Tiên, cho dù, ông chưa đưa ra giải thích cụ thể vì sao Viettel lại muốn đầu tư vào hai thị trường này.
Vậy xét ở yếu tố cơ hội đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, thì Triều Tiên, Cuba có gì hấp dẫn với Viettel?
Cuba: Viễn thông di động vẫn xa xỉ
"Trên đường phố Cuba, nếu bạn ngồi cắm cúi vào chiếc điện thoại, rất có thể, bỗng nhiên, một nhóm cô gái trẻ xúm lại hỏi điện thoại này anh mua bao nhiêu thế. Trả lời, cỡ 1.000 USD. Thế thì họ - các cô gái trẻ - sẽ đáp, cả đời tôi cũng không mua được", ông Lê Đăng Dũng ví von chi tiết này với VnEconomy cách đây vài năm, khi nói về cơ hội đầu tư vào Cuba.
Sau một vài lần đến Cuba tìm hiểu cơ hội đầu tư, ông Dũng nhận thấy, viễn thông di động ở đây với nhiều người dân vẫn còn là một thứ gì đó xa xỉ.
Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở Cuba theo ước đoán chỉ khoảng vài % dân số - Ảnh: AP.
Cuba thuộc khu vực Trung Mỹ, là một quần đảo và cũng là quốc gia đông dân nhất vùng Caribe, với dân số trên 11 triệu người. Đất nước này có tổng diện tích đất liền 110.860 km2.
Do nằm sát cạnh Mỹ, nên Cuba được nhìn nhận trong tương lai, hàng hóa sản xuất từ đất nước này có nhiều cơ hội xuất sang Mỹ một cách thuận tiện, đồng thời nơi đây cũng sẽ trở thành "thiên đường nghỉ dưỡng" thu hút khách từ Mỹ, Canada, châu Âu…, như đã từng trong quá khứ.
Những đặc điểm trên được đánh giá sẽ là bệ đỡ và cơ hội lớn cho lĩnh vực viễn thông phát triển.
Ngoài ra, một đặc điểm quan trọng hơn, mặc dù là quốc gia có chính sách về giáo dục và đặc biệt là hệ thống y tế thuộc hàng tốt nhất thế giới, nhưng trong lĩnh vực viễn thông tỷ lệ phổ cập lại hoàn toàn trái ngược.
Theo lãnh đạo Viettel, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở Cuba theo ước đoán chỉ khoảng vài % dân số, do vậy, Cuba vẫn là một "thị trường nguyên sơ", với tiềm năng vô cùng lớn cho Viettel đầu tư.
Cuba mới chỉ có một công ty viễn thông quốc gia là Etecsa. Trước đây, Etecsa định hợp tác với một công ty viễn thông của Ý nhưng thất bại, vì thế, các nhà đầu tư ngoại đến sau ít nhiều cũng gặp những trở ngại nhất định.
Thời điểm hiện tại, Cuba vẫn chưa có những tín hiệu rõ ràng trong việc mở cửa lĩnh vực viễn thông cho các nhà đầu tư nước ngoài đấu thầu giấy phép và mở mạng viễn thông tại đây.
Triều Tiên: Gần 10 năm chờ đợi
Với Triều Tiên, quãng thời gian gần 10 năm chờ đợi cũng đủ nói lên mức độ tiềm năng của thị trường viễn thông di động này với Viettel.
Khoảng năm 2010, Viettel từng cử người sang Triều Tiên tìm hiểu cơ hội, thủ tục và xin giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, rào cản về chính sách, như ông Lê Đăng Dũng chia sẻ với hãng Reuters, là "chờ Triều Tiên được dỡ trừng phạt và nước này mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài", do vậy, dự định của Viettel tại thị trường này vẫn chưa trở thành sự thật.
Các cô gái trẻ ở Triều Tiên sử dụng điện thoại di động tại công viên - Ảnh: AFP.
Chính vì hiếm khi công bố các thông tin về kinh tế, nên các thông số về lĩnh vực viễn thông của Triều Tiên như mật độ bình quân sử dụng điện thoại di động, doanh thu trên một thuê bao (ARPU)… cũng mù mờ và "bí mật".
Mãi gần đây, theo một thông tin công bố của hãng AP, tính đến năm 2017, Triều Tiên được cho là mới chỉ có khoảng 2,5 triệu người dùng điện thoại, tỷ lệ sử dụng là 1/10 người.
Cũng giống như Cuba, hiện tại Triều Tiên mới chỉ có một mạng viễn thông di động là Koryolink - một liên doanh giữa Chính phủ Triều Tiên và nhà mạng Orascom của Ai Cập – và đến nay đã đạt khoảng gần 3 triệu thuê bao kể từ khi đi vào hoạt động năm 2008.
Trò chuyện với VnEconomy sáng 10/1, một lãnh đạo Viettel nhận xét, tại Triều Tiên, ngoài mật độ sử dụng điện thoại di động còn rất thấp, thì việc mới chỉ có một mạng di động, tức là thị trường về cơ bản còn độc quyền, dẫn đến cơ hội với các nhà đầu tư mới là rất lớn.
VnEconomy