Trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP cuối năm nay
Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện hồ sơ phê chuẩn CPTPP để có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.
- 04-07-2018Trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP vào tháng 10/2018
- 22-05-2018Nguy cơ Việt Nam bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện khi gia nhập CPTPP
- 10-05-2018Hàng dệt may Việt Nam vào Australia có thể tăng mạnh với CPTPP
Chiều 19-7, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi về hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ). Trưởng đoàn đàm phán các nước thành viên Hiệp định CPTPP đang họp tại Nhật Bản, triển vọng hiệp định này có hiệu lực vào năm 2019, phóng viên nêu câu hỏi về quan điểm của Việt Nam về việc CPTPP có thể có thêm thành viên? Tiến độ thông qua CPTTP của Việt Nam?
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất có 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Hiện nay, Việt Nam và các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn CPTPP phù hợp với các quy định của pháp luật từng nước để sớm đưa hiệp định vào triển khai, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên và đóng góp cho tăng trưởng, liên kết kinh tế ở khu vực.
"Theo chúng tôi được biết, hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện hồ sơ để có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay"- bà Hằng nói.
Về việc mở rộng thành viên CPTPP, người phát ngôn cho biết đây là 1 hiệp định thương mại tự do FTA mở, theo đó các nước có thể tham gia sau khi hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở có sự chấp nhận các tiêu chuẩn và được nước thành viên CPTPP đồng thuận.
Về quan điểm của Việt Nam đối với cuộc chiến thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng các vấn đề phát sinh trong quan hệ thương mại giữa các nước cần được giải quyết thông qua thương lượng, trên cơ sở các thông lệ, quy định quốc tế, nhất là trong khuôn khổ WTO, bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên liên quan và đóng góp cho hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Người lao động