MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trình việc thu hồi “sân golf trong sân bay” để ĐBQH nghiên cứu

18-09-2017 - 21:03 PM | Bất động sản

Hai nội dung đáng chú ý được bổ sung gửi các ĐBQH tự nghiên cứu, gồm: Kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải.

Chiều 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp tới dự kiến rút 2 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình: Luật Hành chính công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp để tiếp tục hoàn thiện. Như vậy, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 10 dự án luật thay vì 12 dự án luật.

Hai nội dung khác cũng được bổ sung để gửi các ĐBQH tự nghiên cứu, gồm: kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay; các sự cố liên quan đến tàu vỏ sắt, giải pháp khắc phục.

Riêng dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, căn cứ kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành T.Ư Đảng, sau khi xem xét tình hình chuẩn bị dự án tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp. Vì vậy, nội dung này chưa được bố trí trong dự kiến chương trình.

Cũng theo ông Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 là 23 ngày, trong đó công tác xây dựng luật chiếm 10,75 ngày; công tác giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác chiếm 10,75 ngày. Dự kiến, kỳ họp thứ 4 sẽ khai mạc vào ngày 23/10 và kết thúc vào 22/11.

Về tình hình chuẩn bị kỳ họp, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến nay, đã quá thời hạn quy định nhưng chỉ có 2/5 dự án luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đối với 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 3 dự án tại phiên họp thứ 13, còn 7 dự án được trình tại phiên họp này. Nếu các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện thì có thể gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, thảo luận trước tại địa phương đúng thời hạn quy định.

Riêng đối với các báo cáo gửi ĐBQH tự nghiên cứu, Văn phòng Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội xem xét, lựa chọn, đề xuất một số vấn đề cần thiết để bố trí thảo luận tại kỳ họp, góp phần nâng cao hiệu quả xem xét các nội dung thuộc trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Đáng lưu ý, báo cáo cũng đề cập tình trạng tại một số phiên họp của kỳ họp vẫn còn tình trạng vắng nhiều ĐBQH, ảnh hưởng nhất định chất lượng của phiên họp và kết quả biểu quyết thông qua của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các Trưởng đoàn ĐBQH quán triệt đến ĐBQH trong đoàn, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để tham dự đầy đủ các phiên họp của Quốc hội.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên