MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trịnh Xuân Thanh: Từ xoay sở với dự án nhiệt điện tỷ đô đến "tiện tay" tham ô bạc tỷ

Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) sẽ ra tòa vào ngày 08/01 sắp tới, trong vụ án cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVC.

Đầu tư tài chính tràn lan, mất cân đối dòng tiền nên phải... xoay sở

Theo cáo trạng, tình hình PVC trong giai đoạn 2008 – 2012 dưới thời Trịnh Xuân Thanh gặp nhiều khó khăn tài chính. Trong 20 công trình mà PVC trực tiếp thi công thì có đến 12 công trình mất cân đối do chi phí phát sinh ngoài hợp đồng.

Năm 2010, PVC góp vốn đầu tư vào 46 công ty với tổng giá trị đầu tư là hơn 3.147 tỷ đồng. Đến năm 2011, PVC góp vốn (cũ và mới) vào 43 đơn vị, nâng tổng giá trị đầu tư tài chính lên gần 3.500 tỷ đồng. Do đó, tổng mức đầu tư tài chính vượt gần 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ công ty, làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của PVC.

Để tạo điều kiện cho PVC, ông Đinh La Thăng (lúc đó là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí) đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN và chỉ đạo thực hiện việc ký hợp đồng EPC số 33 của dự án trái với quy định pháp luật. Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 1,7 tỷ USD, nhưng khi ký hợp đồng thì giá trị tạm tính của công trình là 1,2 tỷ USD.

Do mất cân đối tài chính, PVC thời điểm đó cần nguồn tiền để sử dụng. Vì vậy, với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo ông Vũ Đức Thuận, Tổng giám đốc PVC lúc đó, ký Hợp đồng EPC số 33 để PVC nhận được số tiền tạm ứng là hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng.

Sau đó, ông Thanh cùng đồng phạm sử dụng 1.115 tỷ đồng từ nguồn tiền tạm ứng để đầu tư, góp vốn vào các công ty, dự án, công trình khác và trả nợ ngân hàng. Theo yêu cầu từ phía PVN, ngày 06/03/2012, Trịnh Xuân Thanh ký Báo cáo với nội dung xác nhận PVC đã sử dụng phần lớn số tiền tạm ứng cho dự án NMNĐ Thái Bình 2 sai mục đích.

Đến ngày 22/11/2017, Ban Quản lý dự án mới thu hồi được khoảng 1.087 tỷ đồng trong số 1.115 tỷ đồng sử dụng sai mục đích. Vụ việc này gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 119 tỷ đồng.

Khoản thiệt hại 119 tỷ đồng gồm những gì?

Thiệt hại do việc PVN và Ban quản lý dự án tạm ứng cho PVC số tiền 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng gây ra cho PVN là số tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng vào mục đích dự án 1.115 tỷ đồng là khoảng 51 tỷ đồng.

Thiệt hại trực tiếp do việc PVC sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 tỷ đồng gây ra cho PVN là số tiền lãi suất được xác định phát sinh từ ngày 11/10/2011 (ngày đủ điều kiện để tạm ứng tiền cho PVC) đến ngày 20/3/2012 (ngày PVN chính thức đòi tiền tạm ứng sử dụng sai mục đích) khoảng 68 tỷ đồng.

Chỉ đạo lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng

Trong việc thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng – Quảng Trạch, ông Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, ông Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các đồng phạm trong việc sử dụng chung khoản 1,5 tỷ đồng.

Cụ thể, từ ngày 28/09/2011 đến ngày 23/02/2012, ông Lương Văn Hòa, Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, cùng cấp dưới đã hợp thức hồ sơ thiết kế, dự toán, thi công, nghiệm thu thanh quyết toán của 4 hạng mục phụ trợ.

Sau đó, ông Nguyễn Anh Minh, Phó Tổng giám đốc PVC, chỉ đạo các phòng ban của PVC hợp thức thủ tục phê duyệt. Tiếp đến, Lương Văn Hòa ký 4 hợp đồng khống với nội dung thi công 3 hạng mục phụ trợ của dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và 1 hạng mục phụ trợ của dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 để rút 13 tỷ đồng từ Ban điều hành. Đây là 4 hạng mục khống được ký với Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa (giám đốc và kế toán trưởng công ty này quen với Lương Văn Hòa từ trước).

Số tiền nêu trên được rút làm nhiều lần và chia số các cá nhân có liên quan. Ngày 01/08/2011, Lương Văn Hòa ký giấy để nhân viên phòng kế toán rút 1,5 tỷ đồng. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 1,1 tỷ đồng trong số tiền này.

Ngoài ra, ngày 06/01/2012, ông Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Lương Văn Hòa chuẩn bị 5 tỷ đồng để sử dụng cá nhân trong dịp Tết nguyên đán 2012. Ngày 13/01/2012, Trịnh Xuân Thanh nhận được 4 tỷ đồng còn 1 tỷ đồng giữ lại cho Nguyễn Anh Minh sử dụng.

Vì những sai phạm ở trên, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản. Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, sau khi phạm tội đã bỏ trốn gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên