"Trò chơi sinh tồn" nghề lập trình để nhận lương 50.000 USD: Ngủ 6h/ngày là quá nhiều, chấp nhận trả 1% lương cả năm để đi "học tủ"
Để được nhận vào các công ty công nghệ hàng đầu, có mức lương lên tới 50.000 USD ngay trong năm đầu tiên, hàng loạt người trẻ sẵn sàng bỏ việc hiện tại, vùi đầu vào học lập trình.
- 27-11-20215 dấu hiệu khác thường trong miệng cảnh báo nguy cơ đường huyết rất cao nhưng nhiều người chẳng hề hay biết
- 24-11-2021Cháu dâu Hoa hậu của cố doanh nhân Tư Hường sống thế nào sau 3 năm gả vào hào môn: Biệt thự dát vàng, nghỉ dưỡng sang chảnh, BST túi xách và siêu xe đắt giá
- 23-11-20214 kẻ thù nguy hiểm nhất của vitamin trong rau quả: Chỉ cần đụng tới 1 thứ, chất dinh dưỡng bị phá hủy hoàn toàn
Park Ba-reum, 32 tuổi, đã nghỉ việc vào tháng 7 để tập trung hết thời gian tham gia các lớp học tại Gangnam's Day 1 Company. Đây là một trường luyện thi tư nhân chuyên đào tạo về lập trình. Mục tiêu của cô ấy là xin việc tại tập đoàn Kakao.
Cô đến lớp học mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối, về đến nhà vào khoảng 11 giờ đêm, sau đó tiếp tục ôn luyện cách giải đề cho đến 1 giờ sáng hôm sau mới nghỉ ngơi.
“Mỗi ngày tôi vẫn ngủ được tối đa khoảng 6 tiếng đồng hồ. Với những người xung quanh, đây đã là ngủ rất nhiều rồi,” Park Ba-reum nói.
Cuộc chiến sinh tồn: “Chen chân” vào các tập đoàn công nghệ
Không chỉ riêng Park, nhiều người trẻ khác tại xứ sở kim chi cũng có chung cuộc sống như vậy. Mặc dù không còn quá trẻ, nhiều người đã qua độ tuổi 30 nhưng tại sao họ vẫn sẵn sàng bỏ việc hiện tại để chuyển ngành, chuyển nghề một cách đột ngột?
Nguyên nhân chủ yếu mà mọi người hướng tới chính là mức thu nhập lên tới 50 - 60 triệu won (khoảng 42.000 - 50.400 USD) tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Naver, Kakao, Line, Coupang hoặc Woowa Brothers.
Bên cạnh đó, sau ảnh hưởng từ đại dịch, các công ty công nghệ lại càng phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến hơn. Do đó, không ít người coi việc trúng tuyển, được làm việc tại đây giống như “trúng số độc đắc”.
Để có thể biến ước mơ thành hiện thực, nhiều người Hàn Quốc coi đây như một “cuộc chiến sinh tồn”. Họ sẵn sàng nghỉ việc để dành toàn bộ thời gian học tập miệt mài. Các giáo trình ở đại học là chưa đủ nên đại đa số mọi người đều tìm cách đăng ký thêm hàng loạt các trường tư để tiếp tục ôn luyện.
Kể cả những người chưa biết gì về lập trình cũng muốn “nhảy vào” cuộc chơi này.
Vùi đầu vào học lập trình, khổ luyện 12h mỗi ngày
Gangnam's Day 1 Company là một trong những trung tâm tư nhân dạy về lập trình được nhiều người Hàn tìm đến. Các khóa học của họ thường kéo dài 6 tháng, tập trung chủ yếu vào những bộ đề thi tuyển dụng của các tập đoàn công nghệ hàng đầu cho vị trí lập trình viên. Day 1 thường không thu tiền học phí nhưng nếu các học viên trúng tuyển, họ sẽ phải trả 1% tiền lương của mình trong 2 năm liên tục. Con số này có thể lên tới khoảng 1 triệu won.
Để được tham gia vào Day 1, các ứng viên cũng phải trải qua rất nhiều bài kiểm tra và phỏng vấn. Chỉ có số ít thông qua mới được trung tâm nhận đào tạo. Chẳng hạn, trong một khóa học được mở vào tháng 3 năm 2021, Day 1 chỉ mở thêm 15 suất và có tới 4.185 đăng ký tham gia.
Ngoài ra, trung tâm cũng có mở thêm một số khóa học khác. Hai khóa chuẩn bị cho các developers với lần lượt 20 suất và 13 suất được mở vào tháng 7 và tháng 9. Một khóa chuyên về khoa học dữ liệu được mở vào tháng 10.
Các lớp học đều tập trung đào tạo thông qua kinh nghiệm lập trình thực hành. Trong một lớp học về mã hóa HTML và CSS, các học viên được đặt mục tiêu là sao chép trang đăng nhập Netflix. Học viên tại Day 1 cũng thường xuyên được tham gia các lớp thuyết trình nhóm về trò chơi và dịch vụ trực tuyến.
Lịch trình học tập tại Day 1 cũng “khó nhằn” đến nỗi trong số những người được chọn, đã có 30% phải bỏ học. Đa số đều chia sẻ nguyên nhân là không thể chịu đựng được 12 giờ học tập liên tục ở cường độ cao. Một số khác thì nản lòng vì nhận điểm thấp từ các bài kiểm tra thử nghiệm.
Hình ảnh các học viên đang tham gia khóa học của Gangnam's Day 1 Company, nằm ở phía nam Seoul, vào ngày 5 tháng 11. [Ảnh: KIM JUNG-MIN]
Tuy nhiên, những người có thể trụ lại thì nhanh chóng đạt được mục đích của mình. Khi kết thúc khóa học vào tháng 9, chỉ còn 10/15 người có thể trụ lại đến cuối cùng. 7 người trong số đó đã trúng tuyển vào Naver hoặc Kakao.
Giám đốc Sản phẩm của Day 1 là ông Kang Ho-jun cho biết: “Naver, Kakao, Line, Coupang và Woowa Brothers là những công ty hàng đầu trong nước nên tỷ lệ cạnh tranh rất khủng. Việc bỏ ra 12 giờ mỗi ngày, không bao gồm ăn ngủ, chỉ để học vẫn chưa chắc có thể đảm bảo cho bạn một vị trí tại công ty. Do đó, nỗ lực là không bao giờ đủ.”
Giám đốc này chia sẻ thêm rằng, “Các tập đoàn này thường không quá xem trọng nền tảng học vấn của ứng viên. Chẳng hạn như, Kakao không đưa ra bất cứ yêu cầu nào về nền tảng học vấn, chuyên ngành, tuổi và giới tính từ những người ứng tuyển. Thay vào đó, họ thường có các bài kiểm tra lập trình và dựa vào kết quả đó để cân nhắc tuyển dụng ai. Do đó, Day 1 đã đào tạo mọi người theo hướng thực hành liên tục, giống như cách chuẩn bị cho bài kiểm tra năng lực của trường đại học.”
Có những người khao khát dành “chiến thắng” trong cuộc đua này đến nỗi dù đã bị loại trong năm nay, họ vẫn sẵn sàng đầu tư thêm 6 tháng tiếp tục ôn luyện và chờ đợi đợt tuyển dụng tiếp theo.
Park Ba-reum, hiện đang tham gia khóa học cho biết: “Đổi ngành đổi nghề ở độ tuổi 30 quả thật rất đáng sợ. Nhưng chỉ cần đậu vào công ty, được làm việc trong một môi trường toàn những người tài giỏi, có rất nhiều điều để học hỏi là rất xứng đáng. Sự thay đổi này không thể coi là muộn màng, mà là một con đường nhanh hơn để dẫn tới thành công.”
*Theo Korea Joongang Daily