MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trở lại UPCoM sau hai năm rời sàn, Minh Phú đang bỏ ngỏ những gì?

19-09-2017 - 09:49 AM | Doanh nghiệp

Kế hoạch tăng vốn, tìm kiếm cổ đông chiến lược với Minh Phú còn dang dở trong hai năm rời sàn. Với con số kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng năm 2017, liệu Minh Phú có vượt qua "vết xe đổ" của các năm trước?

Mới đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu MPC trên sàn UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ngày chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán là ngày 27/9.

Như vậy sau 2 năm kể từ ngày hủy niêm yết 31/3/2015 tại sàn HOSE, Minh Phú đã giao dịch trở lại, chưa đề cập tới thời điểm niêm yết tại "nơi đã từng ra đi".

Hai năm rời sàn “không như mơ”

Mặc dù tới đầu năm 2015, Minh Phú mới chính thức rời sàn HOSE nhưng kế hoạch này đã được bàn bạc qua hai kỳ Đại hội cổ đông thường niên 2013 – 2014.

Lý do hủy niêm yết được ban lãnh đạo công ty đưa ra là các quỹ đầu tư, các công ty tư vấn tài chính góp ý giá cổ phiếu MPC trên thị trường chưa phản ánh đúng giá trị thực của Minh Phú. Đồng thời, công ty muốn hủy niêm yết để tái cấu trúc và tìm kiếm đối tác ngoại. Vào thời điểm đó, Minh Phú nói sau khi phát hành xong 30 triệu cổ phiếu với giá đảm bảo tốt nhất quyền lợi các cổ đông thì đến thời điểm thích hợp sẽ niêm yết lại.

Đúng năm đầu tiên rời sàn, Minh Phú gặp cú "sốc" lớn khi lợi nhuận âm gần 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi đỉnh cao 921 tỷ đồng. Doanh thu công ty cũng sụt giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, Minh Phú chỉ hoàn thành được 58% kế hoạch về doanh thu, còn kế hoạch lãi thì bỏ xa so với con số 756,7 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng

Kết quả này theo lý giải của công ty là phản ánh đúng diễn biến một năm đầy khó khăn của ngành thủy sản khi giá tôm thành phẩm và tôm nguyên liệu xuống thấp nhất trong 5 năm gần đây. Nguyên nhân giá dầu thế giới giảm, đồng tiền các nước Ấn Độ, Indonesia thay phiên nhau phá giá nên giá bán tôm từ những nước này rất rẻ, bình quân giá giảm 30 – 40% so với năm 2014. Trong khi đó, giá tôm trong nước lại cao do chi phí nuôi tôm cao, chất lượng tôm từ Việt Nam sụt giảm dẫn đến tôm Việt Nam xuất khẩu không đủ sức cạnh tranh về giá và chất lượng, do đó không đạt được kế hoạch đề ra.

Chưa hết, sang năm 2016, thị trường cũng không khả quan hơn. Ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, nắng nóng, xâm ngập mặn khiến nguyên liệu tôm khan hiếm, đẩy giá thành lên cao. Đặc biệt tôm sú có thời điểm giá nguyên liệu tăng lên hơn 30% nhưng giá xuất khẩu không kịp tăng, các công ty mua gôm nên thiếu nguyên liệu. Giá tôm Ấn Độ, Indonesia, Ecuador thấp hơn của Việt Nam hơn 1 USD/kg, chất lượng tôm đảm bảo hơn nên hàng Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt.

Điều này đẩy công ty vào tình thế chỉ hoàn thành 86% kế hoạch năm về doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. EPS cũng chỉ ở mức 1.053 đồng, bằng 10% so với EPS năm 2014.

Những dự định còn bỏ ngỏ

Quay trở lại lý do rời sàn, Minh Phú muốn tìm đối tác chiến lược, tái cơ cấu tập đoàn. Trong các báo cáo thường niên 2014 - 2015, công ty còn liên tục đề cập tới kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến cuối quý II/2017, vốn điều lệ của Minh Phú hiện vẫn đang giữ nguyên mức 700 tỷ đồng, không thay đổi so với thời điểm rời sàn.

Cũng theo báo cáo thường niên các năm 2015 - 2016, cơ cấu cổ đông của công ty không có quá nhiều thay đổi. Các cổ đông lớn trong và ngoài nước đều vẫn giữ nguyên số tỷ lệ sở hữu, công ty cũng không đề cập thêm về việc tìm kiếm đối tác chiến lược.

Trong 2 năm rời sàn, không thể phủ nhận Minh Phú đã nỗ lực để hoàn thành mô hình chuỗi giá trị khép kín.

Năm 2015, Tập đoàn đầu tư vào 2 công ty liên kết gồm Công ty TNHH Mekong Logistic 41%, 98 tỷ đồng và Công ty TNHH Thực phẩm Việt Nam với tỷ lệ sở hữu lần lượt 41% và 23,6% vốn điều lệ.

Trong đó, công ty Mekong Logistics được Minh Phú mua từ CTCP Gemadept (Mã: GMD), triển khai trung tâm logistics tại KCN Sông Hậu, Châu Thành, Hậu Giang với quy mô 15 ha, vốn đầu tư 670 tỷ đồng.

Minh Phú cũng thành lập mới công ty con 100% vốn - CT TNHH kho vận Ebisumo, vốn điều lệ 600.000 USD tại Nhật. Công ty này làm việc xuất nhập khẩu và giao nhận thủy sản, các dịch vụ liên quan tại Nhật - một trong các thị trường xuất khẩu lớn của "vua tôm".

Ngày trở lại

Năm 2017, Minh Phú đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất là 15.781 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 841 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 4.064 tỷ đồng, LNST 128 tỷ đồng, như vậy hoàn thành 26% kế hoạch doanh thu và 15% kế hoạch lợi nhuận. Rõ ràng, kết quả 6 tháng còn khá xa so với đích đến và câu hỏi đặt ra, liệu Minh Phú có lặp lại kịch bản các năm 2015 - 2016 như đã từng?

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2017 của công ty, khi cổ đông đặt ra nghi vấn về các con số kế hoạch năm có quá cao so với thực tế, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cho biết khả năng đạt và vượt kế hoạch là khá cao. Ông tự tin vào phương pháp nuôi tôm mới có giá thành thấp hơn nuôi trồng mật độ cao, đem lại lợi nhuận tốt.

Ông Quang cũng lấy ví dụ 4 tháng đầu năm, sản lượng tôm tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, giá trị tăng 29%, vượt 10% kế hoạch trong kỳ. Với các tháng chính vụ tôm như tháng 5, tháng 6 đến tháng 9, tháng 10, ông Quang tin công ty dễ dàng đạt được kế hoạch năm.

Ở thời điểm tháng 6/2017, tổng nợ phải trả của Minh Phú là 3.820 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn. Con số này đã giảm một nửa so với đầu năm 2016.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2017, hàng tồn kho của Minh Phú đã tăng 55%, lên 1.394 tỷ đồng. Ngược lại, tiền và tương đương tiền giảm 60%, còn hơn 437 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2017, Công ty có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2,17 lần, giảm 0,5 lần so với thời điểm 31/12/2016.

Trong một hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam diễn ra ở Cà Mau sáng 6/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề ngành tôm cần cán mốc xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 thay vì đợi đến năm 2030.

Theo Khổng Chiêm

NDH

Trở lên trên