Trở thành đặc khu kinh tế, Vân Đồn sẽ được hưởng những ưu đãi gì?
Thủ tướng cho phép Quảng Ninh thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn – Rõ ràng đây bước quan trọng sẽ góp phần biến giấc mơ về đặc khu kinh tế tại Việt Nam sớm thành hiện thực.
- 10-07-2017Tiến độ các dự án BĐS cao cấp trên “cung đường vàng” Bến Vân Đồn
- 18-05-2017Dự án nào “cán đích” đầu tiên tại Bến Vân Đồn?
- 15-05-2017Vân Đồn, Phú Quốc: Đặc khu kinh tế có gì đặc biệt?
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi lên Chính phủ 3 đề án về thành lập 3 đặc khu kinh tế, bao gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Trong lúc chờ phê duyệt, Bộ này tin tưởng rằng những đặc khu kinh tế sẽ chính là chìa khóa giúp nâng tầm Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Trả lời hãng tin Reteurs, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng từng nhận định "Những đặc khu kinh tế này sẽ tạo nên một sức hút cực lớn, các khoản đầu tư sẽ bùng nổ trong năm tới”.
Đặc khu kinh tế nhận ưu đãi: Không thuế; được kinh doanh casino...
Những ưu đãi trong Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị đưa ra nhiều đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để giúp đặc khu kinh tế thu hút mạnh đầu tư và công nghệ.
Đó trước tiên là các chính sách ưu đãi thuế: Khi nhập, xuất hàng vào, ra các đặc khu kinh tế, người nhập, xuất khẩu sẽ được linh hoạt áp dụng các mức thuế, thậm chí có khi còn được miễn thuế 100%.
Vân Đồn nhìn từ trên cao
Đồng thời, thuế giá trị gia tăng sẽ có ở mức 0%; hoặc thậm chí người, công ty nộp sẽ không phải chịu thuế này. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ không còn tồn tại trong các đặc khu kinh tế nữa.
Đối với cá nhân, thuế thu nhập cá nhân sẽ được miễn và giảm trong một thời gian nhất định. Đối với doanh nghiệp, sẽ chỉ phải chịu thuế 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế. Riêng đối với thu nhập từ dự án đầu tư - kinh doanh bất động sản thì mức thuế suất ưu đãi sẽ chỉ còn 17%.
Nhóm chính sách về tài chính, ngân sách cho phép doanh nghiệp để lại toàn bộ số thu của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong một thời gian cần thiết. Ngân sách trung ương cũng sẽ được bỏ ra hỗ trợ cho các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong đặc khu kinh tế.
Tiền tệ là một ưu đãi rất nổi trội dành cho các đặc khu kinh tế. Các doanh nghiệp trong đặc khu sẽ được cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng nhằm đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành thì các đặc khu kinh tế sẽ thậm chí được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi khác.
Về đất đai thì căn cứ vào ngành, nghề đầu tư và quy mô dự án đầu tư, chính sách sẽ cho phép những thời hạn cho thuê đất riêng, với thời hạn tối đa lên đến 99 năm. Thời gian miễn, giảm tiền thuê và áp dụng mức giá thuê đất và mặt nước cũng sẽ ưu đãi hơn so với quy định của pháp luật về đất đai hiện hành.
Và giấc mơ...
Cuối cùng, luật về đặc khu kinh tế cho phép miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 30 ngày, Luật cũng cho phép doanh nghiệp được kinh doanh casino, cho phép doanh nghiệp thuê tư vấn quốc tế...
Tóm lại, "các đặc khu kinh tế sẽ hưởng tự do và được ưu đãi về mọi khía cạnh” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định với hãng tin Reteurs.
Kinh nghiệm từ Trung Quốc
Hiện Việt Nam thực ra cũng đã có tới 18 khu kinh tế cùng 325 các khu công nghiệp. Trong đó, có 8 khu kinh tế được Chính phủ ưu tiên phát triển: nhóm khu kinh tế Chu Lai - Dung Quất (Quảng Nam, Quảng Ngãi), khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá), khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang), khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), khu kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên), khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và khu kinh tế Định An (Trà Vinh).
Tuy vậy, về định nghĩa chuẩn chỉnh của thì Việt Nam vẫn chưa có một đặc khu kinh tế nào đúng nghĩa, với một mô hình phức hợp, được triển khai trên quy mô lớn và có sự tự chủ cao. Vì thế, có thể chắc chắn rằng 3 đề án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ là những viên gạch đầu tiên trong công cuộc xây dựng các đặc khu kinh tế ở Việt Nam.
Nhìn trên thế giới, mô hình đặc khu kinh tế thành công nhất có lẽ phải kể đến Trung Quốc. Theo đuổi chính sách này từ thập niên 1980 với những chính sách ưu đãi đặc biệt, cho đến nay, Trung Quốc đã có những đặc khu kinh tế là các tên tuổi nổi tiếng thế giới như Thâm Quyến, Châu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, Hải Nam...
Thống kê cho thấy các đặc khu kinh tế này đóng góp tới 22% GDP của Trung Quốc, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tới 60% kim ngạch xuất khẩu. Sự thành công là rất rõ ràng: Nếu như Thâm Quyến là một thành phố điện tử hùng mạnh hàng đầu thế giới, Thượng Hải ngày nay cũng là một ngôi sao mới nổi trong lĩnh vực tài chính ở châu Á thì những điều tương tự cũng hứa hẹn sắp đến với Châu Hải, Hải Nam, Hạ Môn...
Thâm Quyến chuyển mình
Nhưng thực tế, không phải cứ lập ra các đặc khu kinh tế, rồi dành cho chúng các khoản đầu tư lớn về hạ tầng và ưu đãi thuế là nền kinh tế một đất nước sẽ đạt thành công. Ngân hàng Thế giới từng báo cáo rằng có đến 50% trong số các đặc khu kinh tế trên toàn cầu đã thất bại, trải rộng từ Ấn Độ, Mexico đến các quốc gia châu Phi.
“Nghiên cứu từ lịch sử cho thấy các đặc khu kinh tế đã tạo ra sự méo mó trong nền kinh tế. Bên cạnh đó là chi phí lớn về đầu tư hạ tầng và có thể gây thất thu thuế. Trong khi các mục tiêu về bùng nổ thương mại hay tạo việc làm thì nhiều SEZ đã thất bại” - Tờ The Economist cảnh báo. Đây cũng chính là điều mà các nhà điều hành nền kinh tế Việt Nam sẽ cần lưu ý.
Trí thức trẻ