Trớ trêu nút thắt cung ứng được nới, ô tô mới về ồ ạt nhưng nhiều người Mỹ không còn đủ tiền mua
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát kỷ lục. Điều đó đồng nghĩa là tiền chi trả cho ô tô tăng cao, đẩy ngành công nghiệp ô tô đối mặt vấn đề mới.
- 09-10-2022Google khiến các nhà đầu tư tự tin thái quá và đưa ra nhiều quyết định sai lầm?
- 09-10-2022FED liệu có đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái?
- 09-10-2022Ngành sản xuất công nghiệp của Đức "lao đao" khi giá năng lượng tăng cao chót vót
Những chiếc ô tô mới xuất hiện ngày càng nhiều hơn, vì những nút thắt cuối cùng của chuỗi cung ứng đang dần được tháo gỡ. Nhưng hiện tại, ngày càng nhiều người Mỹ không muốn hoặc không còn đủ khả năng để mua ô tô.
Với việc FED mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát, người tiêu dùng nhận thấy rằng chi phí dành ra cho một chiếc ô tô đột nhiên cao hơn rất nhiều so với hồi đầu năm. Điều đó có thể sẽ làm giảm nhu cầu và tạo thêm áp lực mới cho ngành công nghiệp ô tô, vốn đã phải vật lộn với lượng hàng tồn kho cạn kiệt trong thời đại dịch.
Nhà kinh tế trưởng Jonathan Smoke của hãng kinh doanh xe hơi lớn nhất nước Mỹ Cox Automotive đã viết trên blog hôm 5/10: “Điều trớ trêu đối với thị trường ô tô là ngay khi ngành công nghiệp này sẵn sàng chứng kiến lượng ô tô tăng sau khi bị sụt giảm do nguồn cung hạn chế, thì lãi suất thay đổi nhanh chóng đang khiến nhu cầu đi xuống”.
Vào cuối quý 3, Cox Automotive nhận thấy lãi suất cho vay mua xe mới là 7%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi suất cho vay trên thị trường ô tô đã qua sử dụng cũng tăng tương tự lên 11%.
Chi phí dành cho ô tô tăng cao vào đúng lúc các hộ gia đình thắt chặt hầu bao vì lạm phát kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua. Điều đó có nghĩa là nhiều người dân Mỹ không còn đủ khả năng mua những chiếc xe mới đang trên đường đến các đại lý.
Và chi phí dành cho ô tô dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Ngay trong năm nay, FED đã mạnh tay tăng lãi suất cho vay lên 3% đến 3,25%. FED cũng cho biết họ có kế hoạch tiếp tục tăng cho đến khi lãi suất đạt 4,6% vào năm 2023.
Các nhà sản xuất ô tô có thể bù đắp chi phí bằng các thỏa thuận tài trợ và chiết khấu, nhưng sau đó các công ty không thể trở lại mức lợi nhuận kỷ lục.
Phục hồi lượng hàng trong kho
Doanh số bán xe theo lô tăng đáng kể trong quý 3 cho thấy nhu cầu từ người tiêu dùng có thể đang suy yếu. Đó là điều đáng lưu tâm, bởi vì doanh số bán lẻ cho người tiêu dùng sinh lời hơn và các nhà sản xuất ô tô đã tính đến nhu cầu bị dồn nén từ đại dịch sẽ còn tồn tại trong thời gian tới.
Nhưng Kristin Dziczek, cố vấn chính sách ô tô cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago - chi nhánh Detroit, cho biết doanh số bán xe theo lô không hẳn là một dấu hiệu xấu như trước đây.
Bà nói: “Có rất nhiều nhu cầu về mua xe theo lô đang bị dồn nén vì nhóm khách hàng này đã chịu thiếu thốn để dành cho người tiêu dùng”. Bà cho biết thêm rằng nhiều chính phủ và các đội xe thương mại lớn đang phải trả giá cao cho các loại xe điện và xe hybrid để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải địa phương.
Tổng lượng ô tô có sẵn trong kho tăng lên khoảng 1,43 triệu chiếc vào cuối tháng 9, mức cao nhất kể từ tháng 5/2021 và tăng 160.000 chiếc so với cuối tháng 8, theo BofA Securities.
Nhà phân tích John Murphy lưu ý: “Chúng tôi vẫn tin rằng sự doanh số trong năm qua yếu kém là do lượng hàng tồn kho hạn chế”. Nhưng ông cũng lưu ý rằng nhu cầu có thể giảm xuống do lạm phát, niềm tin tiêu dùng yếu và lo ngại về suy thoái kinh tế.
Phần lớn do các động thái của FED mà Cox gần đây đã hạ dự báo doanh số bán xe mới trong năm xuống 13,7 triệu chiếc, giảm so với mức 14,4 triệu chiếc vốn là mức thấp chưa từng thấy trong một thập kỷ. Với tốc độ bán hàng đó, nhà kinh tế học Smoke cho biết sản lượng và lợi nhuận thấp hơn nữa có thể gây căng thẳng thêm cho chuỗi cung ứng, dẫn đến phá sản và gián đoạn hàng trong kho.
Giá tiếp tục tăng
Để bù đắp cho doanh số bán hàng thấp, các nhà sản xuất ô tô đã tập trung vào việc sản xuất những chiếc xe đắt tiền nhất, cũng là loại xe mang lại lợi nhuận cao nhất cho họ. Điều đó kết hợp với lãi suất tăng, đang thúc đẩy nhiều người tìm mua các loại xe đã qua sử dụng.
Edmunds báo cáo số tiền trung bình chi cho các phương tiện mới đạt kỷ lục 41.347 USD trong quý thứ 3. Con số này tăng từ 40,602 USD trong quý 2 và 38,315 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản chi phí trung bình hàng tháng cho một chiếc xe mới vẫn ở mức trên 700 USD trong quý 3. Trong số những người mua, hơn 14% cam kết trả mỗi tháng 1.000 USD trở lên cho xe mới. Đây là mức cao nhất mà Edmunds từng ghi nhận.
Nhà kinh tế học Charlie Chesbrough của Cox Automotive cho biết, ông không hy vọng giá xe mới sẽ sớm hạ nhiệt, vì các nhà sản xuất ô tô cam kết giữ lượng hàng tồn kho ít hơn để tăng lợi nhuận. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đang ở mức bình thường mới”.
Theo CNBC
Nhịp Sống Thị Trường