Tròn 1 năm kể từ ngày phát hiện dấu vết ca nhiễm Covid-19 đầu tiên: Một đại dịch khiến cả thế giới thay đổi hoàn toàn
Đầu năm 2020, chẳng ai nghĩ được rằng thế giới sẽ thay đổi một cách đáng sợ như bây giờ.
- 12-11-2020Câu chuyện về cặp vợ chồng "quyền lực" tìm ra vaccine chống Covid-19 hiệu quả tới 90% khiến cả thế giới phải trầm trồ dõi theo
- 03-11-2020Việt Nam thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên người tình nguyện trong tháng 11 này
- 02-11-2020Hoàng tử William khiến công chúng ngỡ ngàng khi tiết lộ từng nhiễm Covid-19, triệu chứng khó thở nặng đến mức gia đình vô cùng hoảng loạn
Thế giới biết đến Covid-19 từ lúc nào? Có lẽ là từ tháng 1/2020, khi có thông tin về một dịch bệnh kỳ lạ tại Trung Quốc. Nhưng theo như trang SCMP, số liệu từ chính phủ Trung Quốc chỉ ra rằng ca nhiễm đầu tiên có thể xuất hiện từ ngày 17/11/2019 lận. Có nghĩa, đã 1 năm trôi qua kể từ khi căn bệnh này đe dọa đến cả nhân loại.
Đó là một người đàn ông 55 tuổi sống tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), được gọi là "Bệnh nhân số 0". Tuy nhiên, nhà chức trách đã không ghi nhận trường hợp này cho đến thời điểm 3 tuần sau đó - ngày 8/12/2019.
Và kể từ đó, thế giới bắt đầu chứng kiến một sự thay đổi đáng sợ.
Đại dịch thay đổi thế giới
Vài tuần sau khi công bố, các bác sĩ tại Vũ Hán phải điều trị bệnh nhân với các triệu chứng giống như viêm phổi, bao gồm sốt cao, ho nhiều và suy hô hấp. Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã cố gắng cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh mới cũng đã lây nhiễm, rồi sau đó tử vong.
Cuối tháng 12/2019, Uỷ ban Y tế thành phố Vũ Hán có bản công bố chính thức đầu tiên về một dịch bệnh mới, trong đó ghi nhận 27 trường hợp xác nhận nhiễm, với 7 ca có triệu chứng nặng. Mọi người được khuyên phải đeo khẩu trang và tránh việc tụ tập đông người.
Bác sĩ Lý Văn Lượng - người lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của virus corona
Phải đến tháng 1/2020, các nhà khoa học Trung Quốc mới lên tiếng xác nhận về một chủng virus corona mới mang tên 2019-nCoV, thứ phải chịu trách nhiệm cho dịch viêm phổi lạ đang hoành hành ở Vũ Hán lúc bấy giờ. Nguồn cơn của dịch bệnh được cho là liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam - nơi đã lập tức bị phong tỏa ngay từ đầu tháng 1/2020.
Ngày 23/1, thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân chính thức bị phong tỏa. Cùng thời điểm, Singapore ghi nhận một số ca nhiễm đầu tiên. Tổng giám đốc WHO - tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã tới Trung Quốc trong giai đoạn này để tìm hiểu khả năng ứng phó của chính quyền địa phương và hỗ trợ.
Vũ Hán hồi tháng 3/2020
2 ngày sau, WHO thông báo dịch 2019-nCoV là "tình trạng khẩn cấp quốc tế". Nhưng rồi đến ngày 11/3, họ buộc phải thay đổi. Đó là ngày virus corona trở thành một "đại dịch toàn cầu" - thông báo được cho là muộn màng khi áp lực từ dư luận đã lên rất cao trước đó đã lâu.
Loay hoay chống dịch
Anh Quốc hiện tại đang ở giữa đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 2 nhằm kìm hãm tốc độ gia tăng lây nhiễm rất nhanh trong những tháng mùa thu. Chính phủ Anh đã bị chỉ trích nặng nề vì ứng phó quá chậm trong đợt lây nhiễm đầu tiên, trong khi hệ thống xét nghiệm và lần vết cũng thua sút quá nhiều so với thế giới.
Lần phong tỏa đầu tiên của Anh bắt đầu từ cuối tháng 3, và kể từ đó số ca nhiễm dường như lệch ra ngoài tầm kiểm soát. Số liệu tháng 5 cho thấy các nhà dưỡng lão chiếm tới 40% số ca tử vong liên quan tới Covid-19 chỉ trong tuần cuối tháng 4. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã nhiễm Covid-19 vào tháng 4, cuối cùng phải vào phòng điều trị tích cực tại một bệnh viện ở London.
Tháng 5/2020, số người chết tại Anh là trên 32.000, vượt qua Ý và trở thành nơi nhiều người thiệt mạng vì Covid-19 nhất châu Âu. Đến 10/5, Anh bắt đầu giai đoạn nới lỏng phong tỏa, và cuối cùng cho phép toàn bộ cửa hàng tái hoạt động vào ngày 15/6.
Nhưng chưa đầy 2 tuần sau, ngày 29/6, thành phố Leicester đã phải chịu thêm một đợt phong tỏa sau khi chứng kiến ổ dịch bùng lên. Ở các thành phố khác, quán bar và nhà hàng được phép mở cửa từ ngày 4/7. Tuy nhiên tới ngày 24/7, chính phủ Anh yêu cầu tất cả người dân phải đeo khẩu trang khi đi mua sắm, nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm gia tăng.
Cuối tháng 7, bắt đầu xuất hiện một số thành phố cần phong tỏa. Đến đầu tháng 9, làn sóng dịch thứ 2 xuất hiện, chỉ số lây nhiễm tăng vọt và buộc ông Johnson phải ban hành lệnh giới nghiêm tại các nhà hàng, quán bar từ ngày 24/9. Không chỉ thiệt hại nặng nề về kinh tế, Anh đã lọt vào nhóm quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất, và vẫn chưa cách nào thoát ra.
Cuộc đua của thế giới
Ở thời điểm hiện tại, thế giới đã có hơn 55 triệu người nhiễm bệnh, và khoảng 1,25 triệu ca tử vong. Covid-19 thậm chí đang dần trượt ra khỏi tâm trí nhiều người, khi một số bắt đầu tìm cách sống chung với nó. Cuộc đua hiện tại dần chuyển hướng sang truy tìm một loại vaccine hiệu quả, nhằm cho phép xã hội trở lại bình thường.
Một số phương pháp điều trị được cho là hữu dụng cũng được tìm ra - bao gồm phương pháp điều trị bằng dexamethasone. Tuy nhiên đây không phải là thuốc chữa đảm bảo, và nhiều bệnh nhân vẫn đang chết dần với các triệu chứng rất nặng.
Cách đây vài ngày, ông lớn ngành dược phẩm Pfizer công bố một loại vaccine thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với hiệu quả lên tới 94,5%. Tuy nhiên, đa số mọi người chỉ có thể được tiêm sớm nhất là vào năm sau, khi vaccine đã được nhà chức trách đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nhưng dù sao đi nữa, một điều chắc chắn rằng 1 năm qua thực sự là thời điểm đầy thử thách với cả thế giới này.
Nguồn: Evening News
Pháp luật và Bạn đọc