Trong 1 thập kỷ qua, tăng trưởng VN-Index chỉ đạt bình quân 6,4%/năm
FiinGroup cho rằng trong bối cảnh các chỉ sỗ kinh tế vĩ mô phát triển và dự kiến duy trì tốt thì mức tăng trưởng bình quân 6,4%/năm trong 10 năm qua là nỗi thất vọng của giới đầu tư.
Thị trường chứng khoán thường được xem là kênh đầu tư hấp dẫn với kỳ vọng tăng trưởng vượt xa lãi suất ngân hàng cũng như tính thanh khoản ưu việt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đầu tư chứng khoán tại Việt Nam trong những năm qua không thực sự hấp dẫn khi tỷ suất lợi nhuận không quá vượt trội.
Thống kê của FiinGroup cho thấy tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của VN-Index trong vòng 10 năm qua (2010 – 2019) là khoảng 6,4%/năm, cao hơn mức 4,8%/năm CAGR của vàng. Xét trong trung hạn 5 năm (2015 – 2019), CAGR của VN-Index trung bình là 12%/năm.
Nhìn rộng hơn, 5 năm qua thì VN-Index cũng chỉ tăng 76% và tròn một thập kỷ 10 năm qua thì VN-Index cũng chỉ tăng 94%. Nếu tính ra mức tăng trưởng kép hàng năm thì cũng chỉ ở mức tương ứng 6,4% và 12%.
FiinGroup cho rằng trong bối cảnh các chỉ sỗ kinh tế vĩ mô phát triển và dự kiến duy trì tốt thì mức tăng trưởng bình quân 6,4%/năm trong 10 năm qua là nỗi thất vọng của giới đầu tư.
Quả thực, mức tăng trưởng trên khó có thể thỏa mãn giới đầu tư bởi đây là con số còn thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm, chưa kể mức đổ rủi ro khi đầu tư chứng khoán là lớn hơn nhiều. Bên cạnh đó, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có lẽ số người chiến thắng thị trường trong 10 năm qua là ít hơn rất nhiều số người thua lỗ.
Tính riêng năm 2019, chỉ số VN-Index chỉ tăng 7,7% với biến động thấp. Mức tăng này cũng chỉ ngang bằng với lãi suất tiệt kiệm cùng kỳ hạn vốn được xem là rủi ro rất thấp.
Cũng theo FiinGroup, nhà đầu tư thường cho rằng cái hay của kênh chứng khoán là cho phép nhà đầu tư có thể kiếm lời từ việc "lướt" nhanh và giao dịch nhiều lần trong năm chứ không chỉ mua và giữ đến ngày cuối năm. Tuy vậy diễn biến thị trường năm 2019 là rất khó cho việc "lướt sóng" khi mà đỉnh của VN-Index đạt 1024,91 điểm và đáy ở mức 878,22 điểm, tương ứng biến động chỉ là 16,7%.
Hơn nữa, thanh khoản bình quân hàng ngày cũng giảm 29% từ 6,5 nghìn tỷ đồng năm 2018 về mức 4,7 nghìn tỷ tính theo GTGD bình quân hàng ngày. Điều này cho thấy diễn biến thị trường chứng khoán năm 2019 nói riêng và trong 1 thập kỷ qua nói chung là không thực sự hấp dẫn với giới đầu tư.