Trong giai đoạn lạm phát, có phải lúc nào giá cả cũng tăng nhanh hơn so với mức lương?
Theo The Economist, trong các thời điểm lạm phát vừa phải hơn, chẳng hạn như ở hiện tại, có một nỗi lo chung là giá cả tăng cao hơn so với mức lương khiến thu nhập thực tế của người dân giảm xuống.
- 24-04-2022Bắc Ninh đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI năm 2022
- 24-04-2022Phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030: Sẽ nghiên cứu bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ
- 23-04-2022Tỉnh tăng trưởng thuộc top 5 cả nước trong nhiều năm biến nắng, gió thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Theo The Economist, lạm phát tăng cao ở Mỹ đã lan sang các nền kinh tế khác trên thế giới. Giá tiêu dùng ở các nước thuộc nhóm OECD đang tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất trong ít nhất ba thập kỷ. Cụ thể, ở Hà Lan, lạm phát gần 10%, thậm chí cao hơn ở Mỹ, trong khi ở Estonia là hơn 15%.
Vậy lạm phát có thật sự đáng sợ? Các ngân hàng trung ương nên phản ứng như thế nào với sự gia tăng lạm phát? The Economist cho biết, câu trả lời phụ thuộc vào mức độ thiệt hại mà lạm phát gây ra.
Lạm phát sẽ ảnh hưởng và làm suy giảm các khoản tiết kiệm của người dân, đồng thời, làm sai lệch tín hiệu giá cả. Và chắc chắn có những trường hợp lạm phát đã đưa nền kinh tế đi xuống. Ví dụ, trong thời kỳ lạm phát phi mã của Weimar (Đức) vào những năm 1920, hay ở Zimbabwe, khi tín hiệu giá bị phá vỡ, hàng triệu người đã không có thức ăn.
Song, trong các thời điểm lạm phát vừa phải hơn, chẳng hạn như ở hiện tại, có một nỗi lo chung là giá cả tăng cao hơn so với mức lương khiến thu nhập thực tế của người dân giảm xuống. Điều này gần như chắc chắn đã xảy ra ở các nước phát triển trong những tháng gần đây. Thu nhập thực tế theo giờ của người Mỹ đã giảm gần 3% trong năm tính đến tháng 3/2022.
Tuy nhiên, về tổng thể, các nhà kinh tế học nhận thấy mối liên hệ mong manh giữa lạm phát và mức sống thực tế của người lao động. Theo đó, các nhà kinh tế học chỉ ra rằng, trong giai đoạn lạm phát vừa phải, đôi khi giá cả tăng nhanh và cao hơn so với tiền lương, đôi lúc lại không. The Economist dẫn chứng, tiền lương thực tế của Anh tăng mạnh trong thời kỳ lạm phát vào những năm 1970.
Khi xem xét dữ liệu của 35 nền kinh tế thuộc nhóm OECD, các chuyên gia nhận thấy rằng, trong những năm lạm phát vượt quá 5% thì tiền lương thực tế sẽ tăng trung bình. Bên cạnh đó, lạm phát cũng có thể giúp những người thất nghiệp tìm được việc làm, ngay cả khi nó gây tổn hại cho những người đã đi làm. Cụ thể, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, đồng bảng Anh mất giá làm gia tăng lạm phát ở Anh và giảm lương thực tế. Kết quả, các công ty sau đó có thể đủ khả năng để thuê thêm công nhân.
Lạm phát dường như giữ một vị trí đặc biệt trong tâm thức công chúng. Phân tích của The Economist cho thấy rằng, trong những năm 2010, các tổ chức truyền thông đã đề cập đến lạm phát thường xuyên hơn, nhiều gấp đôi so với việc đề cập đến thất nghiệp, mặc dù thất nghiệp trong thời điểm đó được đánh giá là một vấn đề kinh tế lớn hơn nhiều.
Vào những năm 1990, chuyên gia Robert Shiller của Đại học Yale đã hỏi người dân ở một số quốc gia về ý kiến của họ về lạm phát và so sánh chúng với quan điểm của các nhà kinh tế học. Ông phát hiện ra rằng, những người bình thường có quan điểm về lạm phát cực đoan hơn nhiều so với các học giả nghiên cứu.
Mọi người tin rằng, lạm phát khiến họ trở nên nghèo hơn. Họ lo lắng lạm phát sẽ làm cho việc lập kế hoạch trở nên khó khăn hơn. Và họ tin rằng lạm phát là một dấu hiệu cho thấy các công ty đang lợi dụng họ (2/3 người Mỹ coi việc lạm phát gia tăng gần đây là do lòng tham của doanh nghiệp).
Ngược lại, các nhà kinh tế học lại tỏ ra thiếu cân nhắc hơn trong các câu trả lời. Hơn một nửa số người Mỹ "hoàn toàn đồng ý" rằng việc ngăn chặn lạm phát cao cũng quan trọng như ngăn chặn lạm dụng ma túy hoặc duy trì các tiêu chuẩn giáo dục; trong khi đó, số lượng các nhà kinh tế học đồng ý với quan điểm này chỉ chiếm 18%.
Cũng trong cùng một cuộc khảo sát, ông Shiller phát hiện ra rằng, 46% người dân muốn chính phủ giảm giá sau khi lạm phát tăng đột biến (tức là để giảm phát theo kỹ thuật), một điều mà rất ít nhà kinh tế khuyến nghị.
Tuy nhiên, một cách nhìn khác cho rằng chi phí tâm lý của lạm phát cao là có thật, và các ngân hàng trung ương và chính phủ nên tính đến điều này. Chống lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tài khóa hoặc tiền tệ thường được coi là một lựa chọn khó khăn, vì điều này làm hạ nhiệt nền kinh tế và có nguy cơ gây ra suy thoái. Trên thực tế, đây là một trong những chính sách phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại.
Nguồn: The Economist