MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong khi Việt Nam mải miết xây sân Golf mới, cả thế giới đang đau đầu vì không còn ai thèm chơi môn thể thao này

09-08-2016 - 08:02 AM | Doanh nghiệp

Trước tình hình thoái trào của môn Golf, hàng loạt những loại hình mới như Golf "cô đơn" ở Nhật Bản, Golf điện tử ở Hàn Quốc hay Golf "bóng đá" tại Mỹ đã ra đời nhằm cứu vãn loại hình thể thao quý tộc này.

Biểu tượng Tiger Wood trong làng Golf thường gắn liền với thương hiệu Nike . Tuy nhiên, kể từ khi ngôi sao này dính vào những vụ bê bối, thời hoàng kim của Nike trong môn thể thao này cũng đi xuống. Tuy nhiên, ngôi sao quảng cáo của hãng không phải lý do duy nhất khiến Nike gặp khó trong ngành Golf.

Doanh số mảng Golf của Nike trong năm tài khóa trước tính đến tháng 5/2016 đã giảm 8,2% xuống 706 triệu USD. Đây cũng là mảng kinh doanh chủ chốt có kết quả tồi tệ nhất của Nike.

Ngày 3/8 vừa qua, hãng Nike tuyên bố dừng kinh doanh gậy chơi Golf, túi xách Golf cũng như bán bóng cho loại hình thể thao này.

Ngoài ra, mặc dù hãng vẫn bán sản phẩm quần áo và giày thể thao cho môn Golf nhưng những người chơi muốn tìm mua dụng cụ chơi Golf có lẽ sẽ phải tìm đến những thương hiệu khác khi công ty giảm dần kinh doanh cho mảng này.

Những mất mát trên của Nike nếu so với các mảng kinh doanh khác có vẻ không đáng kể. Dù mảng Golf đem lại 706 triệu USD nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mảng kinh doanh đồ thể thao cho môn chạy bộ với khoảng 5 tỷ USD doanh số.

Tuy nhiên, việc Nike giảm dần kinh doanh trong môn thể thao quý tộc cho thấy vấn đề của công ty không đến từ nội bộ cũng như chiến lược kinh doanh của hãng mà là do xu thế chung của môn thể thao này trong giới trẻ ngày nay đang dần suy giảm.


Doanh thu mảng Golf của Nike giảm mạnh từ mức đỉnh năm 2013 (triệu USD)

Doanh thu mảng Golf của Nike giảm mạnh từ mức đỉnh năm 2013 (triệu USD)

Trong kỳ Olympic sắp được khai mạc tới đây, môn Golf lần đầu tiên đã được đưa trở lại kể từ sau thế vận hội năm 1904 và mục địch chính của ban tổ chức là nhằm thu hút trở lại sự quan tâm của giới trẻ ngày nay với môn thể thao quý tốc này.

Hiện Mỹ là thị trường lớn nhất cho ngành kinh doanh môn thể thao Golf nhưng tỷ lệ giới trẻ Mỹ tham gia chơi Golf lại đang suy giảm dần qua từng thập niên.

Năm 2015, Hiệp hội Golf Mỹ (NGF) công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ chơi Golf tại đây đã giảm mạnh trong suốt 20 năm qua, đặc biệt là ở giới trẻ có độ tuổi 18-23 tuổi. Đây là một hiện tượng đáng lo ngại cho ngành Golf cũng như những hãng thể thao như Nike khi giới trẻ thường là nhóm khách hàng chính cho mảng này trong thời điểm hoàng kim của môn thể thao quý tộc này.

Một trong những nguyên nhân chính mà NGF liệt kê cho sự suy giảm hứng thu với môn Golf trong giới trẻ là chi phí chơi môn thể thao này quá đắt so với thu nhập ngày nay.

Không như những môn thể thao khác, người chơi Golf không thể chỉ mua gậy cùng vài trái bóng là có thể chơi loại thể thao này.

Trong khi đó, nghiên cứu của NGF cho thấy thu nhập của giới trẻ Mỹ ngày nay thấp hơn so với hồi thập niên 90. Trong đó, thu nhập của giới trẻ Mỹ trong độ tuổi 24-29 đã giảm 10% so với hồi thập niên 90 và nhóm này cũng là nhóm suy giảm mạnh nhất trong việc chơi Golf.

Tuy vậy, những người Mỹ trong độ tuổi 30-34 có thu nhập chỉ giảm 3% so với thập niên 90 và độ suy giảm chơi Golf chỉ đạt 20% trong 20 năm qua. Điều này chứng tỏ tỷ lệ chơi Golf tỷ lệ thuận với thu nhập của người dân Mỹ.

Bên cạnh đó, NGF cho rằng tỷ lệ tăng trưởng dân số chênh lệch giữa các dân tộc ở Mỹ cũng khiến ngành Giolf gặp bất lợi. Trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng của giới trẻ Mỹ thuần da trắng trong độ tuổi 18-34 chỉ là 18%, trong khi tỷ lệ này là 60% đối với giới trẻ Mỹ màu da khác.

Đây không phải là thông tin tốt với ngành Golf khi tỷ lệ chơi Golf trong giới trẻ da trắng là 12% trong khi tỷ lệ này chỉ là 7% trong giới trẻ Mỹ màu da khác.


Tỷ lệ chơi Golf tại các độ tuổi ở Mỹ giữa đầu thập niên 90 với đầu thập niên 2010.

Tỷ lệ chơi Golf tại các độ tuổi ở Mỹ giữa đầu thập niên 90 với đầu thập niên 2010.


Tỷ lệ tham gia chơi Golf của giới trẻ Mỹ tỷ lệ thuận với thu nhập bình quân hàng năm (nghìn USD)

Tỷ lệ tham gia chơi Golf của giới trẻ Mỹ tỷ lệ thuận với thu nhập bình quân hàng năm (nghìn USD)

Lịch sử và sự thoái trào của môn thể thao quý tộc

Từ thế kỷ 15, môn Golf đã được những người Scotland phát triển và ban đầu được gọi là môn “Gawf”. Thời đó, mọi người còn chơi bằng gậy gỗ với những quả cầu làm bằng lông động vật.

Năm 1457, Vua James II đã phải tạm thời cấm môn Golf cũng như bóng đã do các môn thể thao này chiếm quá nhiều diện tích đất và ảnh hưởng đến việc luyện tập của các cung thủ, một nhánh quân đội quan trọng của vương quốc thời đó.

Dẫu vậy, lệnh cấm này không ngăn cản được niềm đam mê chơi Golf trong tầng lớp quý tốc cũng như dân chúng. Môn thể thao quý tộc này dần lan ra toàn nước Anh và sang cả những thuộc địa mà Anh xâm chiếm sau đó.

Môn Golf dược đưa vào Mỹ vào thập niên 1890 khi tầng lớp trung lưu và giàu có tổ chức những câu lạc bộ Golf tư nhân. Loại hình thể thao này an toàn hơn môn Polo (đánh bóng gậy cưỡi ngựa), vốn đang thịnh hành thời đó, và lại ít mệt hơn bóng đá. Chúng nhanh chóng trở thành môn thể thao ưa thích của các doanh nhân khi họ có thể danh thời gian tạo mối quan hệ, thực hiện giao dịch khi chơi Golf.

Những doanh nhân nổi tiếng thời đó như John Rockefeller và Andrew Carnegie đều ưa thích môn Golf và qua đó tạo nên hình tượng thể thao quý tộc cho loại hình này.

Trong thời kỳ kinh tế Mỹ bùng nổ, hàng loạt các câu lạc bộ Golf tư nhân được mở và đi kèm với đó là sự phát triển của mảng bất động sản.

Trong khoảng 1992-2002, ít nhất 60% dự án bất động sản tại Mỹ có liên quan đến môn Golf. Thêm vào đó, các sân Golf làm tăng giá trị bất động sản xung quanh chúng, qua đó tạo tác động tích cực đến thị trường nhà đất tại Mỹ.

Hiện Mỹ là thị trường lớn nhất của ngành Golf với khoảng 50% các sân Golf cũng như cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế đến từ đây. Môn thể thao này đóng góp khoảng 70 tỷ USD cho nền kinh tế vào năm 2011.

Tại Mỹ hiện có khoảng hơn 6 triệu người trẻ trong độ tuổi 18-34 đang chơi Golf, chiếm 1/4 toàn thế giới và đem lại doanh số bán sản phẩm khoảng 1 tỷ USD cùng với khoản phí đăng ký câu lạc bộ khoảng 4 tỷ USD cho ngành này mỗi năm.

Có một điều thú vị là dù chỉ có 6 triệu người trẻ Mỹ tham gia chơi Golf nhưng theo NGF, số giới trẻ có nhu cầu chơi môn thể thao quý tốc này ở đây đạt tới 12 triệu người.

Dẫu vậy, không thể chối cãi rằng thời hoàng kim của Golf đang dần qua đi khi nền kinh tế thế giới giảm tốc và thu nhập của người dân không còn được như trước. Năm 2013, chỉ có khoảng 25 triệu người chơi Golf trên toàn cầu, giảm 18% so với năm 2006 dù tổng dân số tăng 6% trong cùng kỳ trên toàn thế giới.

Việc quá nhiều câu lạc bộ, sân Golf mở ra tạo nên tính cạnh tranh ngày càng cao, cùng với sự lộn xộn về thành phần người chơi hiện nay đang khiến môn Golf ngày trở nên mất giá trong mắt các doanh nhân Phương Tây.

Riêng trong năm 2013, NGF cho biết khoảng 14,600 sân Golf 18 lỗ ở 160 quốc gia đã phải đóng cửa. Đây đã là năm thứ 8 liên tiếp số sân Golf trên toàn cầu suy giảm.

Hãng Kemper Sport nhận định thế giới sẽ phải chờ 10 năm nữa để có thể cân bằng cung cầu trong ngành Golf.

Trước tình hình này, nhiều công ty, nhân viên và doanh nhân trong ngành Golf đã phải chuyển hướng sáng những thị trường mới nổi khác như Trung Quốc và Châu Á.

“Nếu ngành kinh doanh những câu lạc bộ chơi Golf được coi như cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán thì chúng hiện nay chẳng khác gì những cổ phiếu mệnh giá nhỏ (penny stock)”, một doanh nhân ngành Golf hiện đang kinh doanh ở Trung Quốc nói với tờ Economist.

Nếu những câu lạc bộ Golf vẫn có thể duy trì với lượng khách hàng trung thành, doanh nhân giàu có thông quá lệ phí thì những mảng khác trong ngành lại không được may mắn đến vậy.

Doanh số mảng Golf của hàng loạt các hãng thể thao như Nike, Adidas đều giảm mạnh, bản quyền truyền hình cho môn thể thao này cũng không còn được giá như trước.

Không riêng gì Mỹ, Golf đang thoái trào trên toàn cầu

Mới đầu, một số thị trường ngoài Mỹ đã có tín hiệu khá tích cực cho ngành Golf khi tầng lớp nhà giàu mới nổi đổ xô đến các sân Golf để chứng tỏ “đẳng cấp” của mình. Tuy nhiên, khi chính phủ Trung Quốc, thị trường chủ chốt của ngành Golf tại Châu Á, thực hiện chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay thì môn thể thao quý tộc này bắt đầu giảm tốc.

Tại hàng loạt những thị trường khác như Australia, Nhật Bản, Anh, Ireland hay thậm chí là quê hương môn Golf như Scotland cũng gặp phải tình trạng tăng trưởng chậm lại như vậy.

Ví dụ tại Anh, số người chơi Golf ít nhất 1 lần trong tháng năm 2014 đã giảm hơn 25% so với năm 2007 và số thành viên các câu lạc bộ Golf cũng giảm mạnh.

Tại Australia, số thành viên câu lạc bộ Golf đã giảm 1/5 so với thời đỉnh cao năm 1998. Tại Nhật Bản, số người chơi Golf giảm hơn 40% so với thời hoàng kim đầu thập niên 90.

Một số thị trường như Cộng hòa Séc hay Đức có sự tăng trưởng trong môn Golf nhưng tỷ lệ của chúng quá nhỏ so với thị trướng lớn là Mỹ.

Xét về khía cạnh xã hội, có lẽ sức hấp dẫn môn Golf một thời đã không còn phù hợp với lối sống nhanh, hiện đại ngày nay. Môn thể thao quý tộc này từng nổi tiếng với sự bình tĩnh, nhẫn nại, tập trung cũng như sự tính toán trong từng đường bóng.

Tuy nhiên, người chơi ngày nay có vẻ không thoải mái khi phải chơi ít nhất 4 tiếng rưỡi cho một sân tiêu chuẩn 18 lỗ. Đó là chưa kể thời gian nghỉ ăn uống, nói chuyện, nghỉ ngơi...

Thành viên lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ (SEAL), anh Robert O'Neill, người đã tham gia chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden khi được đề nghị chơi Golf để giải tỏa tâm lý đã mô tả môn thể thao này còn “khó nhằn hơn cả khi tham chiến”.

Hơn nữa, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã giúp các vận động viên Golf chuyên nghiệp ngày nay đánh bóng được xa hơn cũng như dự tính được chính xác hơn cho mỗi đường bóng. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến các khóa học chơi Golf trở nên dài hơn và khiến những người chơi nghiệp dư phải tốn thời gian nắm bắt lâu hơn cho bộ môn này.

Một yếu tố nữa khiến môn Golf ngày càng mất giá là những vận động viên tiêu biểu. Năm 1913, vận động viên Francis Ouimet giành chức vô địch giải Golf Mỹ (US Open) ở tuổi 20 đã thổi bùng lên phong trào chơi bộ môn này trong giới trẻ.

Trong khi đó, việc tuyển thủ nữ Nhật Bản Ai Miyazato trở nên nổi tiếng trong giới Golf thập niên 2000 cũng thúc đẩy một phong trào chơi môn thể thao này ở phái nữ.

Đặc biệt, việc tuyển thủ lừng danh Tiger Woods bắt đầu thắng các giải Golf chuyên nghiệp từ cuối thập niên 90 đã thổi một làn gió mới cho môn thể thao này khi khẳng định Golf không còn là địa bàn của giới thượng lưu da trắng.

Dẫu vậy kể từ năm 2009, khi thương hiệu Woods thoái trào, chưa có một tuyển thủ thực sự nào có thể đại diện và đủ sức thúc đẩy được cho ngành Golf.

Thể thao thì không thể thiếu phụ nữ

Xã hội Mỹ ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, những đứa trẻ ngày nay được phụ huynh đưa đến nhiều câu lạc bộ và tham gia các loại hình thể thao khác nhau chứ không còn tốn nhiều thời gian vào một bộ môn quý tộc trước đây như Golf.

Hơn nữa, những trò chơi video hay những phòng chơi ảo khiến người chơi Golf có thể thoải mái lựa chọn và chơi môn thể thao này mà không cần tham gia những câu lạc bộ với chi phí đắt đỏ.

Thêm vào đó, nhiều câu lạc bộ Golf với những quy định cổ hủ về cách ăn mặc đang dần bóp chết ngành thể thao này. Theo tờ Economist, một phụ nữ đã từng phàn nàn việc cô bị cấm vào câu lạc bộ Golf khi mặc váy thi đấu tennis thay vì váy chơi Golf, dù chúng có độ dài tương đương.

Một yếu tố quan trọng nữa là sự tham gia của nữ giới, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một môn thể thao.

Tại Scotland, quê hương của Golf, nhiều câu lạc bộ vẫn trung thành với quy định cấm mang chó và bạn gái đến sân Golf. Trong khi đó, câu lạc bộ Golf lâu đời nhất ở đây là The Royal and Ancient Golf Club of St Andrews thành lập năm 1754 chỉ chấp nhận cho phụ nữ tham gia vào tháng 9/2014, một điều khá cổ hủ.

Phong trào Golf “cô đơn”

Trước sự thoái trào của Golf, nhiều sân Golf cũng như các câu lạc bộ đang phải tìm những giải pháp khác nhau nhằm thu hút thêm sự quan tâm của giới trẻ ngày nay.

Golf là một trong số ít những môn thể thao mà người chơi nghiệp dư có thể thi đấu cùng với những vận động viên chuyên nghiệp trong một trận. Đây là ưu điểm để nhiều giải đấu thu hút người chơi nghiệp dư bằng cách mời các ngôi sao như Tiger Woods tham gia thi đấu.

Trong khi đó, nhiều sân Golf cho phép người chơi thi đấu 9 lỗ thay vì 18 lỗ như quy định truyền thống nhằm giảm số thời gian chơi vốn quá dài, tạo sự thuận tiện cho khách hàng cũng như thu hút nhiều phụ nữ, trẻ em, người già vốn có sức khỏe yếu hơn đến sân đấu.

Tại Nhật Bản, có một trào lưu chơi Golf “cô đơn” (Lonely Golf). Theo đó, những người già đến sân Golf một mình và thi đấu với một người lạ chỉ trong một trận. Xu thế này đang dần trở nên khá phổ biến khi tuổi thọ bình quân tại Nhật ngày một cao hơn.

Ở Hàn Quốc, người chơi đang ưa chuộng loại hình chơi Golf điện tử (Screen Golf) khi người chơi chỉ đứng một chỗ trước phông màn mình và vụt bóng, việc di chuyển và kết quả được hệ thống điện tử xử lý.

Đặc biệt hơn, một loại hình mới đang thu hút nhiều người tham gia là Golf “bóng đá” (Foor Golf). Theo đó người chơi sẽ thi đá bóng vào 18 lỗ thay vì đánh bóng Golf thông thường. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng trào lưu này có thể sẽ sớm thoái trào khi chỉ mang tính tạm thời.

“Chúng tôi sẽ phải chấp nhận sự thay đổi đôi chút trong định nghĩa về trải nghiệm chơi Golf”, ông Pete Bevacqua, Chủ tịch hiệp hội chơi Golf chuyên nghiệp Mỹ (APGA) ngậm ngùi thừa nhận.

Hiện nhiều câu lạc bộ Golf lâu đời ở New York đang đầu tư cải tiến lại trang thiết bị và cơ sở cật chất. Theo đó họ xây dựng thêm những khu dịch vụ ăn uống hay vui chơi giải trí cho gia đình nhằm thu hút nhiều giới trẻ hơn nữa. Những quy định về ăn mặc cũng ngày càng được nới lỏng trong các câu lạc bộ này.

“Tương tự như khi thuê sân chơi bóng rổ, bạn có thể thuê nửa sân để chơi với bạn bè mà chẳng cần tốn tiền thuê hết. Điều này cũng có thể áp dụng cho môn Golf”, ông Becacqua nói.

Thậm chí, một số câu lạc bộ Golf hiện nay ở Mỹ có phong cách lai giữa trung tâm vui chơi giải trí với câu lạc bộ thể thao. Người chơi có thể chơi cả bia, game hay những dịch vụ khác khi không muốn chơi Golf, hoặc ngồi uống nước nói chuyện với bạn bè như trong quán cà phê nếu muốn.

Theo Hoàng Nam

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên