MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trồng mía ép lấy nước uống thu hàng trăm triệu/ha

11-05-2017 - 08:05 AM | Thị trường

Trồng mía bán ép lấy nước luôn có giá cao lại không phải lo lắng nhiều về khâu thu hoạch và vận chuyển.

Thay vì trồng mía nguyên liệu truyền thống bán cho các nhà máy để chế biến đường, nhiều người dân tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng chọn trồng giống mía ép lấy nước phục vụ cho nhu cầu giải khát, thu lợi nhuận trên trăm triệu mỗi ha.

Là hộ canh tác mía phục vụ cho nhu cầu giải khát với diện tích nhiều nhất ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, anh Trần Văn Dũng, ấp Đặng Trung Tiến đã thu hoạch được 10.000 bó mía trên diện tích 1,8ha. Anh Dũng cho biết, ở thời điểm trước tết, anh bán được 41.000 đồng/bó mía loại 1 (tương đương 12 cây/bó), sau khi trừ đi chi phí xong, anh còn lãi khoảng 150 triệu đồng/ha.

“Một công mía bán lẻ so với một công mía nguyên liệu giá luôn cao hơn. Mỗi công mía bán làm nước giải khát thu khoảng 25 - 28 triệu, trong khi mía nguyên bán chỉ được 17-18 triệu”, anh Dũng cho biết.


Trồng mía ép lấy nước đang cho thu nhập cao hơn mía nguyên liệu.(Ảnh minh họa: KT)

Trồng mía ép lấy nước đang cho thu nhập cao hơn mía nguyên liệu.(Ảnh minh họa: KT)

Theo nhiều nông dân, mô hình trồng mía ép lấy nước có từ gần 20 năm nay. Những năm gần đây, năng suất trung bình mỗi công đạt từ 500 - 600 bó, tương đương vào khoảng 13 tấn mía. Đặc biệt, khi trồng mía bán ép lấy nước, bà con không cần lo lắng nhiều về khâu thu hoạch vì công vận chuyển sẽ được giao hết cho thương lái.

Ông Võ Quốc Hận, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông cho biết, tổng diện tích trồng mía hiện nay trên địa bàn xã có 900ha, trong đó có khoảng 120 ha mía ép lấy nước cho bà con thu cao, nhập ổn định từ nhiều năm nay.

Tuy vậy, việc canh tác mía lấy nước đã lan rộng đến nhiều địa phương khác như Trà Vinh, Long An, Đồng Tháp… khiến thị trường tiêu thụ cũng dần bị thu hẹp. Vì vậy, định hướng của địa phương sẽ không mở rộng thêm để tránh tình trạng cung vượt cầu giống như nhiều loại nông sản khác.

“Tiến tới địa phương sẽ ổn định diện tích mía nguyên liệu và diện tích mía nước nhằm ổn định thị trường. Đồng thời, định hướng của địa phương sẽ là giảm diện tích trồng mía để chuyển đổi sang một số cây trồng vật nuôi khác. Hiện nay khâu nhân công càng ngày càng hiếm, nếu cứ tăng diện tích trồng mía nhiều khả năng sẽ bị động về nhân công”, ông Hận cho biết./.

Theo Thạch Hồng

VOV

Trở lên trên