MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc 'ấp ủ' kế hoạch cải cách TTCK nhằm bảo vệ các công ty lớn khỏi sự đe dọa của Mỹ

22-07-2020 - 14:16 PM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch Tập Cận Bình đã cân nhắc về một kế hoạch từ cuối năm 2018 nhằm tự do hóa thị trường chứng khoán vốn bị hạn chế của Trung Quốc và giảm bớt số lượng các công ty niêm yết ở New York.

Kế hoạch cải cách này đã được hình thành dưới hình thức là một sàn giao dịch mới ở Thượng Hải, được gọi là STAR – bắt đầu đi vào hoạt động đúng thời điểm này vào năm trước. Sàn này có quy mô nhỏ hơn so với những thị trường chứng khoán lớn khác, nhưng lại rất tiến bộ xét theo tiêu chuẩn của Trung Quốc: giảm thiểu những quy định không hợp lý, nới lỏng sự kiểm soát chặt chẽ về việc công ty nào được niêm yết và biên độ dao động giá cổ phiếu. Trong 12 tháng qua, hơn 130 công ty đã huy động được tổng cộng 30 tỷ USD tại đây. 

Dù sàn STAR không có biến động lớn sau tuần đầu tiên bùng nổ, thì sắp tới sẽ có một thương vụ IPO đình đám của Ant Group và nhà sản xuất chip hàng đầu nước này. Giới chức Trung Quốc cũng cho biết các quy tắc nới lỏng tương tự cũng được áp dụng cho sàn ChiNext ở thành phố phía nam Thâm Quyến, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của thị trường trị giá 9,3 nghìn tỷ USD.

Trung Quốc ấp ủ kế hoạch cải cách TTCK nhằm bảo vệ các công ty lớn khỏi sự đe dọa của Mỹ - Ảnh 1.

Quy mô của một số thương vụ IPO ở Trung Quốc.

Lần đầu tiên kể từ trước đến nay, các "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc đã lựa chọn niêm yết trong nước, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước ngoài. Ví dụ, Semiconductor Manufacturing International (SMIC) hồi tuần trước đã huy động được 53,2 tỷ CNY (7,6 tỷ USD) ở một trong những thương vụ IPO lớn nhất Trung Quốc trong 1 thập kỷ. Thương vụ này đã nổi tiếng đến mức giá cổ phiếu của SMIC tăng hơn gấp 3 lần trong ngày giao dịch đầu tiên, vượt xa mức định giá tại Hồng Kông.

Trong khi đó, công ty phát triển dịch vụ thanh toán qua điện thoại – Ant Group, cũng đang dự định đạt mục tiêu định giá hơn 200 tỷ USD khi niêm trên cả STAR và sàn Hồng Kông, mà không thực hiện trên sàn Nasdaq.

Dù những động thái này có được Bắc Kinh thúc đẩy hay không, thì vẫn có chút nghi ngại rằng nếu không có chính sách cải cách của ông Tập, thì những nỗ lực thuyết phục các công ty này niêm yết ở trong nước sẽ không thể thành công đến vậy. Các công ty IPO trên các sàn chứng khoán chính ở Trung Quốc vẫn phải tuân thủ mức định giá trần – thấp hoặc cao hơn 23 lần lợi nhuận.

Trong khi các quy định mới được thiết kế để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ và không khuyến khích đầu cơ, thì điều này lại khiến các doanh nhân không tận dụng được hết cơ hội để kiếm được số tiền lớn. Bởi vậy, những công ty công nghệ lớn như Alibaba, Weibo và Baidu trước đây đã lựa chọn niêm yết ở New York.

Hiện tại, Trung Quốc có nhiệm vụ lớn hơn đó là "bảo vệ" các công ty công nghệ trước tình trạng  mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng tồi tệ. Trước đó, các thượng nghị sĩ Mỹ đã thông qua dự luật có thể hủy niêm yết các công ty Trung Quốc tại Mỹ, trong khi sự căng thẳng ở Hồng Kông cũng khiến mâu thuẫn giữa Mỹ và đại lục thêm phần căng thẳng.

Theo Wang Jiyue – tổng giám đốc của Shanghai Pegasus Consulting, Trung Quốc cần một thị trường vốn hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với các công ty công nghệ và đổi mới để tránh sự "tấn công" của Mỹ. Đó sẽ là một mục tiêu mang tính chiến lược.

Đối với một quốc gia từng chứng kiến 2 quả bong bóng chứng khoán lớn chỉ trong hơn 1 thập kỷ, thì việc loại bỏ một số quy định kiểm soát thị trường sẽ mang theo rủi ro. Tình trạng đầu cơ hiện vẫn tràn lan, một phần là vì nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chiếm số lượng lớn. Việc cho phép các cổ phiếu trên ChiNext có mức biên độ dao động trong ngày là tăng hoặc giảm 20% có thể khiến thị trường thậm chí còn biến động mạnh hơn.

Rõ ràng rằng Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện những bước đi táo bạo để đưa thị trường chứng khoán trong nước vào một "kỷ nguyên hiện đại" và đảm bảo hỗ trợ, thúc đẩy các công ty tăng trưởng nhanh nhất của nước này. Trong bối cảnh đại dịch gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và các công ty phải đối mặt với gánh nặng với gánh nặng nợ ngày càng tăng, giới chức nước này rất muốn tạo điều kiện để họ tiếp cận với nguồn vốn trong nước. Theo khía cạnh này, sàn STAR được nhắm đến để thực hiện cuộc cải cách quy mô lớn hơn.

Yu Yingdong – phó tổng giám đốc của Shenzhen Yunneng Fund Management, nhận định rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cung cấp điều kiện tài chính tốt hơn có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành mang tính chiến lược, đặc biệt khi mâu thuẫn Mỹ - Trung và đại dịch diễn ra. Ông nói: "Sau 1 năm, sàn này đang hoạt động rất tốt."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên