MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc cải tổ "túi tiền"

17-07-2017 - 08:14 AM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố an ninh tài chính là bộ phận thiết yếu của an ninh quốc gia.

Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch cải tổ để cải thiện năng lực của lĩnh vực tài chính nước này nhằm phục vụ nền kinh tế thực, đề phòng các nguy cơ có tính chất hệ thống.

Trị doanh nghiệp "thây ma"

"Cắt giảm đòn bẩy tại các doanh nghiệp nhà nước nằm trong số những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng" - Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Công tác tài chính toàn quốc lần V hôm 15-7. Nhà lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước phải giảm quy mô nợ nần, đồng thời nhấn mạnh các chuyên gia tiền tệ nước này cần phải kiềm chế cái gọi là doanh nghiệp "thây ma" được cứu sống nhờ được bơm cho khoản tín dụng lãi suất thấp.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế, mức tổng nợ của Trung Quốc hiện vào khoảng 260% tổng sản phẩm trong nước và đang gia tăng. Các công ty phi tài chính chiếm khoảng 2/3 tổng nợ trên và vấn đề này đặc biệt nguy kịch ở các tập đoàn thuộc quyền sở hữu nhà nước.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Công tác Tài chính toàn quốc ở Bắc Kinh Ảnh: TÂN HOA XÃ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Công tác Tài chính toàn quốc ở Bắc Kinh Ảnh: TÂN HOA XÃ

Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố an ninh tài chính là bộ phận thiết yếu của an ninh quốc gia. Báo Financial Times nhận định sự cảnh giác trước những mối nguy cơ về tiền tệ đã trở thành ưu tiên cao nhất đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, người tha thiết bảo đảm sự ổn định về xã hội và tài chính. Ngoài ra, bên cạnh nhấn mạnh phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với công tác tài chính, ông Tập khẳng định Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ đóng vai trò to lớn hơn trong công tác quản lý an toàn vĩ mô và đấu tranh với những nguy cơ mang tính hệ thống trong hệ thống tài chính.

Hội nghị Công tác Tài chính Toàn quốc vốn được tổ chức 5 năm/lần luôn nhận được nhiều sự quan tâm của giới quan sát thế giới bởi rất nhiều quyết định quan trọng cho nền kinh tế nước này đều được đưa ra từ đây. Theo Tân Hoa Xã, cuộc họp kín lần này đã nêu bật 3 nhiệm vụ trọng tâm: làm cho lĩnh vực tài chính phục vụ tốt hơn nền kinh tế thực, kiềm chế các nguy cơ về tài chính và làm sâu sắc thêm công cuộc cải tổ tài chính. Chủ tịch Trung Quốc xác định phục vụ nền kinh tế thực là nhiệm vụ bắt buộc và là mục đích của lĩnh vực tài chính cũng như phương cách cơ bản để đề phòng các mối nguy cơ về tài chính.

Lập bộ máy siêu điều tiết

Khẳng định tài chính là "máu và túi tiền" của nền kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh thiết lập một bộ máy siêu điều tiết nắm sức mạnh điều phối các hoạt động giám sát, quản lý ổn định tài chính để thực hiện kế hoạch đã được "thai nghén" ít nhất một thập kỷ qua nhằm chỉnh đốn cấu trúc điều tiết phân đoạn của nước này. Theo Tân Hoa Xã, Ủy ban Ổn định và Phát triển tài chính sẽ được thành lập nhằm phối hợp các cơ quan điều tiết hoạt động ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Trong khi đó, các cơ quan quản lý tài chính cần phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ giám sát, cảnh báo và xử lý rủi ro một cách kịp thời.

Báo South China Morning Post cho biết chi tiết về chức năng của ủy ban mới nêu trên chưa được tiết lộ nhưng chức năng của Ngân hàng Trung ương và 3 cơ quan điều tiết hoạt động ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm vẫn giữ nguyên. Theo hãng tin Reuters, sự giám sát phân khúc lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã khiến nhà chức trách lo lắng về "những con cá sấu khổng lồ", thuật ngữ được sử dụng ám chỉ các ông trùm vi phạm luật pháp phá vỡ các quy định để nắm lấy quyền kiểm soát các công ty khác. Kết quả là các nguồn tài chính được sử dụng bất hợp pháp vào việc mua cổ phần kiểm soát ở công ty và nguồn lợi thu được từ đó không được công ty sử dụng để thúc đẩy phát triển trong nền kinh tế thực.

Gần đây, chính phủ nước này đã sa thải chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc và đã tiến hành điều tra hành vi nhận hối lộ đối với ông này, đồng thời phạt các nhà bảo hiểm mà các hoạt động làm gia tăng nguồn tài chính của họ đã "làm xáo trộn nghiêm trọng một thị trường tài chính trật tự". "Hành vi như thế sẽ bị loại trừ" - Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Tăng cường mua cảng nước ngoài

Giữa lúc giới chức Trung Quốc siết chặt hoạt động thu mua tài sản nước ngoài, đầu tư của doanh nghiệp nước này đổ vào các cảng nước ngoài không những không sụt giảm mà còn tăng gấp đôi trong năm qua.

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Đầu tư Grisons Peak (Anh) cho thấy các công ty Trung Quốc thông báo kế hoạch thu mua hoặc đầu tư 9 cảng nước ngoài trong năm qua (tính đến cuối tháng 6-2017) trị giá 20,1 tỉ USD. Mức đầu tư trên thể hiện sự tăng tốc mạnh mẽ trong các dự án cảng nước ngoài của Trung Quốc từ mức 9,97 tỉ USD trong giai đoạn tháng 6-2015 đến tháng 6-2016. Ngoài ra, các cuộc thảo luận đầu tư tại một số cảng khác cũng đang được tiến hành nhưng giá trị của chúng không được tiết lộ.

Tờ Financial Times ngày 16-7 cho biết các vị trí cảng đang thu hút đầu tư của nền kinh tế số 2 thế giới nằm trên 3 "con đường kinh tế xanh" mà Bắc Kinh từng công bố hồi tháng 6 là yếu tố quan trọng quyết định thành công của sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Đáng chú ý, hàng loạt cảng ở Đông Nam Á nằm trong kế hoạch đầu tư rầm rộ của Trung Quốc, riêng Malaysia có tới 4 cảng với số vốn đầu tư lên tới hơn 11 tỉ USD. Còn tại Indonesia, Công ty Ningbo Zhoushan Port (Trung Quốc) dự tính đầu tư 590 triệu USD vào dự án Kalibaru nhằm mở rộng Tanjung Priok, cảng lớn nhất Indonesia. Bà Jing Gu, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Phát triển Trường ĐH Sussex (Anh), cho biết động thái này của Trung Quốc không khỏi gây nghi vấn về các vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Một trong 3 "con đường kinh tế xanh" của Bắc Kinh không kém phần gây chú ý là tuyến đường biển từ Trung Quốc đến châu Âu thông qua Bắc Băng Dương, có thể giúp rút ngắn hành trình vài ngày. Dự án cho tuyến đường biển này bao gồm một cảng nước sâu mới gần TP Arkhangelsk trên Biển Trắng của Nga và một tuyến đường sắt sâu vào Siberia. Thêm vào đó, các cuộc thảo luận về khả năng Trung Quốc đầu tư ở cảng Kirkenes của Na Uy trên biển Barents và 2 cảng ở Iceland cũng đang diễn ra.

Ông Jonathan Hillman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận định các khoản đầu tư cảng của Trung Quốc làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh có đang theo đuổi chương trình nghị sự chiến lược chưa được công bố dưới hình thức thương mại hay không. "Về mặt chiến lược, quyền sở hữu cảng sẽ mở cửa cho các hoạt động phi thương mại như triển khai các lực lượng quân sự và thu thập thông tin tình báo. Bên cạnh đó, những nhóm lợi ích ở Trung Quốc và các nước đối tác mong muốn tham gia các dự án mới và giờ đây họ có thể làm thế dưới danh nghĩa sáng kiến "Vành đai và Con đường" - ông nói thêm.

Xuân Mai

Theo Lục San

Người Lao động

Trở lên trên