Trung Quốc chống lại dịch tả lợn châu Phi bằng công nghệ nhận diện mặt lợn như thế nào?
Thậm chí những tiếng ho cũng được sử dụng để nhận dạng những chú lợn!
- 14-03-2019Facebook vẫn đang lỗi, người dùng không thể đăng tin, khó đăng nhập, chính Facebook cũng phải dùng Twitter để thừa nhận đang gặp vấn đề
- 13-03-2019[Infographics] Điểm nổi bật của hoạt động xuất nhập khẩu dầu thô
- 13-03-2019Xôn xao thông tư “cấm lợn ăn bèo, chuối”: Bộ Nông nghiệp nói gì?
Trung Quốc đang chuẩn bị áp dụng những công nghệ giám sát của mình để có thể nhận diện được những con lợn trong 1 đàn! Những công nghệ được sử dụng bao gồm nhận diện khuôn mặt, nhận diện tiếng ho, sử dụng cảm biến đặt trong tai.
Nhưng tại sao Trung Quốc lại phải làm như vậy? Câu trả lời là nước này đang gặp một bệnh dịch về lợn mới. Việc giám sát và phân biệt được những con lợn với nhau sẽ giúp họ phòng ngừa bệnh tốt hơn, không gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thịt cho người dân.
"Nếu chúng tỏ ra không vui, bỏ ăn uống thì nguy cơ cao là bạn có thể xác định được con lợn nào đang bị bệnh" - anh Jackson He chia sẻ. Anh He là CEO của Yingzi Technology, một công ty nhỏ tại vùng Quảng Châu cũng đang tham gia vào thị trường công nghệ mới mẻ này, được cho là sẽ mở ra 'tương lai mới cho ngành chăn nuôi lợn'. Những công ty lớn cũng không đứng ngoài cuộc. Alibaba - một công ty thương mại điện tử và công ty đối thủ JD.com cũng đều đang phát triển camera để nhận diện mặt của những con lợn. Alibaba cũng đã có công nghệ nhận diện giọng nói (đúng hơn là tiếng ho) để giám sát lợn.
Trung Quốc quả thực là một nơi có vấn đề gì, thì người dân sẽ áp dụng công nghệ để giải quyết nó. Những dịch vụ tài chính, ăn uống, làm móng đến cả tỉa lông cho chó đều có thể được thực hiện bằng 1 cú nhấn trên smartphone. Công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng đã được áp dụng trong nhà vệ sinh công cộng để cung cấp giấy vệ sinh, ở tàu để bắt tội phạm và ở các tòa nhà để mở cửa một cách thông minh.
Công nghệ dành cho lợn thì có lẽ còn quá sớm để được áp dụng.
"Tôi rất thích ý tưởng này, nhưng các công ty phải chỉ ra rằng chúng hoạt động hiệu quả" - Anh Dirk Pfeiffer - một chuyên gia thú ý tại trường đại học thành phố Hồng Kông chia sẻ. "Nếu chúng không hoạt động, thì chỉ lợi bất cập hại mà thôi".
Nếu Trung Quốc muốn nhận diện được mặt của những con lợn, thì họ cũng phải có một cơ sở dữ liệu đầy đủ về mặt của chúng. Và công nghệ này cũng hoàn toàn vô dụng nếu như những con lợn đã vào lò mổ và thành những miếng thịt nhỏ.
Rất nhiều nông dân tại nước này cũng có chung sự hoài nghi. Trung Quốc đang trong thời kì đóng cửa rất nhiều trang trại lợn vì lo ngại về ô nhiễm môi trường. Nhưng vẫn còn tới 26 triệu trang trại lợn trên toàn đất nước, liệu rằng công nghệ này có đủ tiên tiến để phân biệt được số lợn lớn như vậy?
Anh Wang Wenjun, một nông dân nuôi lợn trở nên nổi tiếng sau khi đăng một video của mình hát cho lợn nghe chia sẻ: "Tôi sẽ không đầu tư vào hệ thống này. Trừ khi bạn có một chuồng lợn lớn thì nó sẽ hữu dụng, còn với các đàn lợn nhỏ thì bạn có thể xác định được chúng bằng trí nhớ".
Chính phủ Trung Quốc thì lại khuyến khích việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp. Trong bản kế hoạch 5 năm mới nhất, nước này muốn người dân sử dụng công nghệ điện toán đám mây và robot để giúp việc chăn nuôi và trồng trọt đơn giản hơn. Vào tháng 10 năm ngoái, chính phủ cũng đã quảng cáo các phương pháp để tạo ra 'nông trại thông minh' và các cách để biến nông nghiệp tiến gần hơn với công nghệ. Nuôi lợn cũng có một kế hoạch cụ thể, áp dụng kiểu A-B-C-D: artificial intelligence (trí tuệ nhân tạo), blockchain (chuỗi khối), cloud computing (điện toán đám mây) và data technology (công nghệ thông tin).
Vậy nên sau khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành qua các nông trại tại Trung Quốc, các công ty công nghệ của nước này đã thấy được cơ hội. Bệnh này lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp, và hiện nay chưa có cách chữa đặc hiệu. Nó không làm hại đến con người, nhưng ta sẽ tiếp tục mang mầm bệnh đi khắp nơi. Trung Quốc cũng đã phải tiêu hủy hàng triệu con lợn, xây dựng hàng rào quanh những nơi có bệnh để chống lây lan.
Mối nguy hại này rất lớn, khi Trung Quốc là đất nước có nhiều lợn - lên tới 400 triệu con, và cũng là nước nhiều thịt lợn. Thịt lợn quan trọng đến mức nước này còn xây dựng một cơ sở lưu trữ thịt lợn để không bị thiếu trong trường hợp khẩn cấp. Bệnh này có thể sẽ lây lan sang các nước khác. Một số sản phẩm từ thịt lợn được xuất tới Úc, Đài Loạn, Nhật Bản và Thái Lan cũng đã dương tính với bệnh Sốt châu Phi. Giá thịt lợn cũng vì vậy mà tăng trên toàn cầu.
Chính phủ nước này không cho những người ngoài cuộc được vào các trang trại lợn để xem công nghệ nhận diện hoạt động, nên không ai biết được tính hiệu quả của chúng. Các phương tiện truyền thông và các công ty cung cấp dịch vụ thì nói rằng đã có khá nhiều trang trại sử dụng hệ thống của họ.
Các công ty nói rằng công nghệ này giúp các chủ trang trại tìm được con lợn bị bệnh nhằm cách li kịp thời, không để lây lan sang các con khỏe. Hệ thống của JD.com còn có robot để cho lợn ăn đúng số lượng, đúng thời gian để giúp lợn lớn nhanh hơn. SmartAHC, một công ty có hệ thống sử dụng AI để theo dõi sức khỏe của lợn, sử dụng các cảm biến gắn ở tai chúng để có những số đo chính xác. Họ nói rằng các cảm biến này sẽ tạo cảm giác thoải mái hơn cho lợn so với những tấm tag rẻ tiền được sử dụng trước đây. Những loại tag này còn có thể bị rơi ra nếu các con lợn đánh nhau trong chuồng.
Đại diện của JD.com là ông Lu Yishan nói rằng công nghệ nhận diện mặt của họ có thể biết được con nào bị bệnh, sau đó báo cho chủ trang trại biết để chữa kịp thời. Hãng cũng đã hợp tác với trường đại học Nông nghiệp Trung Quốc để áp dụng nó vào một trang trại tại tỉnh Hebei.
Hệ thống của Alibaba có thể theo dõi hoạt động của lợn, cho phép tình hình bệnh theo thời gian thực, sau đó có thể đề xuất hoạt động thể thao để chúng khỏe hơn. Alibaba nói rằng Tequ Group, một trang trại lợn rất lớn tại Sichuan đã áp dụng công nghệ của họ. Công nghệ nhận diện khuôn mặt lợn cũng giống với nhận diện người, với hệ thống camera sẽ tìm các bộ phận trên mặt như mắt, mũi và tai. Giống với con người thì mặt của lợn rất khác nhau nếu nhìn thật kĩ.
Theo anh He, thì hệ thống của Yingzi đã có 200.000 hình ảnh nhận diện mặt lợn. Anh ấy cũng nói rằng hệ thống này sẽ không làm dịch Sốt lợn biến mất hoàn toàn, nhưng cũng có thể giúp những trang trại phát hiện sớm hơn để hành động kịp thời.
Song không phải ai cũng nghĩ rằng hệ thống nhận diện khuôn mặt lợn có tính hiệu quả.
Chen Haokai, đồng lập của SmartAHC, nói rằng sử dụng nhận diện khuôn mặt là không cần thiết. Theo ông thì chi phí để áp dụng nhận diện khuôn mặt lên tới 7 USD 1 con, cao hơn hẳn so với sử dụng cảm biến tai, chỉ tốn 0.3 USD 1 con mà thôi. "Chi phí nhân công để áp dụng nhận diện khuôn mặt cao hơn rất nhiều so với gắn cảm biến tai".
Wang Lixian, một nghiên cứu sinh tại đại học Nông nghiệp Trung Quốc thì lại lạc quan về một viễn cảnh rằng giá nhân công dành cho công nghệ này sẽ giảm. "Hiện nay, công nghệ này còn chưa được áp dụng rộng rãi, nhưng trong một vài năm nữa chắc chắn sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều".
Trí Thức Trẻ