Trung Quốc có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế nếu virus corona chưa được ngăn chặn hoàn toàn
Vì sự bùng phát của virus corona khiến một loạt nhà máy phải đóng cửa, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng sẽ chịu cú shock mạnh hơn nữa khi tăng trưởng vốn đã đã trì trệ. Dường như, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phải chịu áp lực khi đáp ứng những mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
- 21-02-2020Kinh tế Trung Quốc mất bao lâu để hồi phục sau phong tỏa vì Covid-19?
- 21-02-2020Sợ virus corona, người biểu tình Ukraine ném đá vào đoàn xe chở đồng hương sơ tán từ Trung Quốc
- 21-02-2020NÓNG: 544 người từng đến nhà thờ ở Daegu đang có triệu chứng nhiễm virus corona, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm
Trong một bài phát biểu gần đây, ông Tập cho biết: "Hiện tại, chúng ta vẫn phải đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và xã hội năm nay." Trong khi đó, năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm chạp nhất trong 3 thập kỷ. Theo ông Tập, nhiệm vụ đạt được mục tiêu phải được thực hiện tốt. Cùng với đó, ông gửi lời nhắn đến các tỉnh - những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cần phải cần bằng mọi hành động: kiểm soát dịch bệnh, nhưng phải đảm bảo hoàn thành mục tiêu cải cách và phát triển.
Hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định, chính phủ Trung Quốc có thể đối diện với một cuộc khủng hoảng kinh tế nếu dịch bệnh không được khống chế. Trong bản báo cáo công bố hồi tuần trước, EIU cho biết thái độ giận dữ của công chúng có thể khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn, nếu dịch bệnh không thể được kiểm soát vào cuối tháng 3.
EIU cho rằng hậu quả đối với nền kinh tế Trung Quốc khi mọi hoạt động sản xuất ngừng hoạt động có thể trở nên rõ ràng vào thời điểm đó. Công ty này viết trong bản báo cáo: "Khi đó, chính quyền trung ương sẽ không thể đổ lỗi cho giới chức địa phương, vì họ đã chỉ đạo xử lý khủng hoảng do dịch bệnh trong hơn 2 tháng."
Đầu tháng này, hơn một nửa các tỉnh, thành phố ở Trung Quốc đều phải kéo dài thời gian phong toả để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Năm ngoái, hoạt động sản xuất ở những khu vực này chiếm tới 80% GDP và 90% xuất khẩu của quốc gia này. Sự gián đoạn diễn ra ở "nhà máy của cả thế giới" đã ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các công ty vẫn phải đối phó với hậu quả của Covid-19.
Dù nỗ lực để tái vận hành mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất, khi các nhà máy mở cửa và người lao động đi làm trở lại, nhưng quá trình này diễn ra vẫn rất chậm chạp. Công nhân trở lại làm việc cần tuân theo quy định kiểm tra gắt gao, do đó các nhà máy vẫn hoạt động với công suất hạn chế.
EIU viết: "Nhiều công ty nhỏ cho biết rằng họ không thể tồn tại qua quý I năm nay, khi ở trong môi trường kinh doanh hiện tại. Bên cạnh khủng hoảng về chăm sóc sức khoẻ, giới chức còn phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng kinh tế, khi thu nhập và việc làm sụt giảm."
Hôm thứ Hai, Larry Hu - một nhà kinh tế của Macquarie đưa ra nhận định rằng khá bất ngờ khi Trung Quốc vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay. Hu cho biết: "Trong bối cảnh virus corona lây lan, tôi thấy ngạc nhiên một chút, tại sao các nhà hoạch định chính sách không muốn sửa đổi mục tiêu cho năm nay. Có thể họ dự đoán rằng tốc độ phục hồi lần này sẽ mạnh hơn khi dịch SARS diễn ra. Dẫu sao, với bài phát biểu của ông Tập, thì giới chức vẫn phải bám sát mục tiêu ban đầu."
Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều nhà phân tích đã hạ dự đoán mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc. Năm 2019, tăng trưởng GDP của nước này đạt 6,1%, trong khi năm 2018 là 6,6%. Trước khi virus lây lan, các nhà phân tích ước tính tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ thấp hơn mức 6%. Tuy nhiên, đầu tháng này, họ tiếp tục hạ dự báo, có thể sẽ nằm trong khoảng 4,9% đến 5,6%.
Theo Reuters, hồi đầu tháng này, ông Tập đã cảnh báo các quan chức rằng một số biện pháp phong toả, kiểm soát dịch bệnh đã đi quá xa, gây tổn hại đến nền kinh tế. Ngoài ra, ông cũng cho biết việc này khiến người dân lo ngại và không khuyến khích họ đưa ra những biện pháp mạnh hơn.
Trong vài tuần qua, Trung Quốc tung ra những biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có động thái bơm hàng tỷ CNY cho các ngân hàng, giảm nợ xấu và hạ lãi suất cho vay. Hu nhận định: "Ở thời điểm này, những lựa chọn chính sách khả thi là giảm lãi suất và nới lỏng chính sách đối với các công ty và khu vực bị ảnh hưởng."