MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Cơn khát đất hiếm "nuốt trọn" mọi nguồn cung, làm lộ điểm yếu "chí mạng" trước Mỹ và phương Tây

21-04-2023 - 14:41 PM | Tài chính quốc tế

Mặc dù là quốc gia đứng đầu về khai thác và chế biến đất hiếm nhưng Trung Quốc cũng là quốc gia sử dụng nguyên liệu này ở quy mô "khổng lồ".

Trung Quốc: Cơn khát đất hiếm "nuốt trọn" mọi nguồn cung, làm lộ điểm yếu "chí mạng" trước Mỹ và phương Tây - Ảnh 1.

Theo trang Qz (Mỹ), Trung Quốc đang là quốc gia thống trị chuỗi cung ứng kim loại đất hiếm của thế giới. Mặc dù vậy, nước này đang ngày càng lo lắng về việc đảm bảo đủ nguyên liệu thô để đáp ứng nhu cầu công nghiệp khổng lồ trong nước.

Những con số đang thể hiện điều này một cách rõ nét. Tỷ trọng sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc đã giảm xuống còn 58% vào năm 2021, từ mức 98% hồi năm 2010. Đồng thời, nhập khẩu nguyên liệu đất hiếm thô của Trung Quốc đã tăng lên, tăng gần 40% vào năm 2021, theo The Rare Earth Observer.

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu đất hiếm

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại quan trọng đối với nhiều ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất đất hiếm có độ tinh khiết cao để sử dụng trong các sản phẩm như pin, nam châm vĩnh cửu cho động cơ EV (xe điện) và tua-bin gió là một quy trình phức tạp.

Sau khi quặng đất hiếm được khai thác, chúng phải được nghiền nát và xay nhỏ để tách kim loại ra khỏi khoáng chất. Các bước xử lí hóa học giúp tách các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ, đồng thời các quy trình tinh chế và tổng hợp tiếp theo tạo ra kim loại có độ tinh khiết cao để sử dụng trong sản xuất.

Trung Quốc: Cơn khát đất hiếm "nuốt trọn" mọi nguồn cung, làm lộ điểm yếu "chí mạng" trước Mỹ và phương Tây - Ảnh 2.

Về cơ bản, Trung Quốc có năng lực độc quyền trong mọi bước ngoài giai đoạn đầu tiên là đào quặng lên khỏi mặt đất. Điều này đã mang lại cho Trung Quốc ảnh hưởng lớn đối với ngành công nghiệp đất hiếm toàn cầu. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là nước này cần một lượng lớn quặng, hiện chủ yếu được khai thác ở Trung Quốc, Australia, Mỹ và Myanmar.

Thomas Krümmer, tác giả của The Rare Earth Observer và là giám đốc của công ty Ginger International Trade and Investment có trụ sở tại Singapore, cho biết: "Ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc đang gặp vấn đề về nguyên liệu thô".

Ông cho rằng Trung Quốc có chưa tới 20% tài nguyên đất hiếm tự nhiên của thế giới (tuy nhiên, theo số liệu của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Trung Quốc chiếm khoảng 38% trữ lượng đất hiếm thế giới) , mặc dù nước này chiếm hơn 85% hoạt động xử lý đất hiếm toàn cầu— đây là một sự mất cân bằng nghiêm trọng.

Krümmer nói: "Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu đất hiếm từ nước ngoài, và họ nhận ra rằng sự phụ thuộc này có thể được sử dụng để chống lại họ. Họ sẽ làm gì nếu Mỹ cắt nguồn cung cấp cho họ ở Mountain Pass? ".

Mountain Pass, thuộc sở hữu của công ty MP Materials niêm yết tại New York, là mỏ đất hiếm duy nhất hoạt động thương mại ở Mỹ. Hiện tại mỏ này bán phần lớn sản lượng cho Trung Quốc để chế biến.

Trung Quốc: Cơn khát đất hiếm "nuốt trọn" mọi nguồn cung, làm lộ điểm yếu "chí mạng" trước Mỹ và phương Tây - Ảnh 3.

Các học giả Trung Quốc cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự. Wang Anjian, nhà khoa học tại Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, đã cảnh báo trong một bài nghiên cứu vào năm ngoái rằng lĩnh vực khai thác đất hiếm trong nước của Trung Quốc đang bị thu hẹp và đầu tư vào thăm dò khoáng sản giảm mạnh.

Ông viết: "An ninh nguyên liệu thô cho hệ thống công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc là đáng lo ngại".

Những lo ngại này đang thúc đẩy các công ty khai thác đất hiếm Trung Quốc tích cực đầu tư ra nước ngoài và mua thêm sản lượng thông qua các hợp đồng dài hạn. Trên thực tế, các thỏa thuận mua bán và đầu tư mới của Trung Quốc có thể đe dọa những nỗ lực của phương Tây nhằm xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm không phải từ Trung Quốc.

Ngay cả khi các công ty đất hiếm Trung Quốc củng cố chỗ đứng của họ trên thị trường quốc tế, các quốc gia khác đang dần đạt được một số bước tiến trong việc xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm của họ với một mục đích duy nhất: nới lỏng sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các kim loại quý này.

Với các thỏa thuận đạt được gần đây, các quốc gia phương Tây và đồng minh đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với đất hiếm đã được tinh chế - thứ được sử dụng trong mọi thứ từ iPhone đến xe điện cho đến chất bán dẫn.

"Trung Quốc cho thấy không thích nghi kịp với mô hình cạnh tranh đất hiếm toàn cầu mới hiện nay," Dai Tao, giáo sư tại Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, viết trong một bài nghiên cứu gần đây.

Mỹ và châu Âu đạt thỏa thuận đất hiếm không có Trung Quốc

Một ví dụ về sự tái tổ chức là sự hợp tác kéo dài hai năm giữa các công ty đất hiếm của Mỹ và Châu Âu. Dự án liên quan đến việc xử lý cát monazite ở Utah để sản xuất cacbonat đất hiếm, sau đó vận chuyển chúng đến Estonia để xử lý. Trong một dự án xuyên Đại Tây Dương khác, quặng đất hiếm được khai thác ở Canada sẽ trải qua quá trình sơ chế ở đó, sau đó đến Na Uy để tinh chế thêm.

Trung Quốc: Cơn khát đất hiếm "nuốt trọn" mọi nguồn cung, làm lộ điểm yếu "chí mạng" trước Mỹ và phương Tây - Ảnh 4.

Trong khi đó, Nhật Bản đã tăng đầu tư vào công ty khổng lồ về đất hiếm Lynas của Australia để đảm bảo nguồn cung cấp đất hiếm nặng, tiếp tục mở rộng chuỗi cung ứng đất hiếm Nhật Bản-Australia.

Mối quan hệ chiến lược và lâu dài của Nhật Bản với Lynas, công ty được nước này cứu khỏi sự sụp đổ vào năm 2016, đã được đền đáp xứng đáng: Sự phụ thuộc vào đất hiếm của Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm từ hơn 90% lượng hàng nhập khẩu xuống còn 58% trong vòng một thập kỷ, theo dữ liệu của UN Comtrade.

Lỗ hổng trong ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc

Tuy nhiên, một khả năng khác là sự độc quyền về đất hiếm của Trung Quốc cũng là trở ngại cho thành công của chính họ.

Ông Thomas Krümmer đánh giá rằng các quy định từ Trung Quốc, bao gồm lệnh cấm đầu tư nước ngoài vào đất hiếm; cấm và hạn chế xuất khẩu công nghệ đất hiếm và những luật về thuế - làm ảnh hưởng thị trường và tăng sự phụ thuộc vào nguyên liệu đất hiếm nhập khẩu - là "không bền vững và không thể thành công".

"Lập trường hiện tại của Trung Quốc về đất hiếm có thể sẽ phá thế độc quyền của Trung Quốc [trong lĩnh vực này]. Sáu mươi năm phát triển sẽ đổ sông đổ bể” - ông nói.

Theo Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên