Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2018 ở mức 6,5%
Trung Quốc không còn nêu mục tiêu đạt mức tăng trưởng “cao hơn nếu có thể” như năm 2017...
- 04-03-2018Hơn 20 quan chức Trung Quốc chết trên bàn nhậu
- 03-03-2018Trung Quốc: Có 102 đại biểu Quốc hội là tỷ phú USD với tổng tài sản gần bằng GDP Thụy Sĩ
- 03-03-2018Không phải Mỹ hay Trung Quốc, đây mới là thị trường được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng của ngành ngân hàng
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức khoảng 6,5%, nhưng không đề cập mong muốn tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nếu có thể, trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo an toàn tài chính.
Hãng tin Bloomberg cho biết, mục tiêu trên đã được Trung Quốc công bố sáng 5/3, trước khi Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường đọc báo cáo tại kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là không thay đổi so với năm ngoái, nhưng điểm khác biệt là năm nay Trung Quốc không nêu mục tiêu đạt mức tăng trưởng "cao hơn nếu có thể trên thực tế" như năm 2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng, chống đói nghèo và chống rủi ro do vay nợ. Những nỗ lực này được thực hiện trong lúc nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới bước vào một thời kỳ giảm tốc dài hạn. Bởi vậy mà từ năm ngoái, Trung Quốc không còn đặt trọng tâm vào con số tốc độ tăng trưởng, mà thay vào đó nhấn mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Năm 2017, kinh tế Trung Quốc dễ dàng tăng vượt mục tiêu, đạt tốc độ tăng 6,9%, đánh dấu năm tăng tốc đầu tiên kể từ năm 2010. Tuy vậy, giới phân tích dự báo GDP nước này sẽ chỉ tăng 6,5% trong năm 2018 do tác động của nỗ lực giảm nợ cũng như căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ Trung Quốc cũng phát tín hiệu sẽ tiếp tục cố gắng giảm tốc độ gia tăng của nợ, đồng thời giảm mạnh mục tiêu thâm hụt ngân sách về mức 2,6% GDP, từ mức 3% GDP trong 2 năm qua.
"Việc Trung Quốc không đề cập đến mục tiêu tăng trưởng "cao hơn nếu có thể" và việc họ giảm mục tiêu thâm hụt ngân sách là tín hiệu cho thấy sự tăng trưởng đi xuống và rào cản chính sách tài khóa đối với tăng trưởng", ông Callum Henderson, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu Eurasia Group ở Singapore, nhận định. "Điều này có ý nghĩa đối với Trung Quốc, bởi họ đang tập trung vào giảm rủi ro tài chính, giảm nghèo và chống ô nhiễm môi trường, nhưng lại không phải là tin tốt đối với những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc".
"Kế hoạch của Trung Quốc cho năm 2018 phù hợp với sự giảm tốc vừa phải trên thực tế của nền kinh tế nước này", ông Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg tại Bắc Kinh, đánh giá. "Ngoài ra, họ cũng phát tín hiệu về cắt giảm hỗ trợ tăng trưởng bằng chính sách tài khóa.
Mục tiêu lạm phát được Chính phủ Trung Quốc đặt ra ở mức 3% cho năm nay, không thay đổi so với năm ngoái. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng giữ nguyên mục tiêu tạo thêm 11 triệu việc làm mới cho khu vực đô thị, doanh thu bán lẻ tăng khoảng 10%, và tỷ giá đồng Nhân dân tệ ổn định ở mức cân bằng.
"Ổn định" được coi là từ khóa về kinh tế Trung Quốc trong năm nay, bởi Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đang theo đuổi mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia "thịnh vượng vừa phải" vào năm 2020 và một "cường quốc mạnh" trên trường quốc tế vào năm 2050.
Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với hoạt động vay nợ và thâu tóm tài sản ở nước ngoài của các công ty lớn. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát một số doanh nghiệp tư nhân lớn gồm hãng bảo hiểm Anbang và hãng dầu khí CEFC.
Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc sẽ kéo dài từ nay cho tới ngày 20/3, dự kiến sẽ thông qua việc cải tổ nhiều cơ quan trong Chính phủ và bổ nhiệm nhiều vị trí then chốt, gồm Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng, và một Thống đốc mới cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).
VnEconomy