Trung Quốc đối mặt nguy cơ tỷ lệ vỡ nợ cao kỷ lục
6 tháng đầu năm nay, tổng cộng ở Trung Quốc đã có hơn 55 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8 tỷ USD) trái phiếu doanh nghiệp không được thanh toán đúng hạn, trong đó 20 công ty vỡ nợ trái phiếu lần đầu.
- 09-07-2019Nghịch lý: Các ngân hàng "hot" ở phố Wall bị nhân tài Trung Quốc coi là hạng ba, không thể tuyển người dù đưa ra mức lương cao gấp rưỡi
- 08-07-2019New York Times: Sau 22 năm, Trung Quốc không còn cần Hồng Kông như trước
- 07-07-2019Tiết lộ 'lá bài' quan trọng của Trung Quốc trong vòng đàm phán mới với Mỹ
Sau nhiều năm vay nợ quá nhiều, các công ty Trung Quốc giờ đây đang phải đối mặt với thực tế phũ phàng. Chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy trong hệ thống tài chính được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2016 nhằm giảm thiểu rủi ro đã dẫn đến hệ quả là hoạt động cho vay ngoài hệ thống – hay còn gọi là các dịch vụ ngân hàng ngầm – đã bị siết chặt đáng kể.
Ngoài ra các quy định về quản lý tài sản cũng hà khắc hơn. Tất cả dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp khó có thể huy động vốn mới để trả các khoản nợ cũ, dẫn đến số lượng các vụ vỡ nợ trái phiếu trong năm 2018 lên cao kỷ lục.
Trong nửa đầu năm 2019, đã có lúc thị trường "dễ thở" hơn một chút khi Chính phủ Trung Quốc cố gắng giảm tình trạng khan hiếm tín dụng, nhưng rủi ro vỡ nợ trên thị trường tài chính nước này vẫn đang tăng lên, mà một phần là do tăng trưởng kinh tế chậm lại.
1. Rắc rối của Trung Quốc lớn đến mức nào?
6 tháng đầu năm nay, tổng cộng ở Trung Quốc đã có hơn 55 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8 tỷ USD) trái phiếu doanh nghiệp không được thanh toán đúng hạn, trong đó 20 công ty vỡ nợ trái phiếu lần đầu. Con số của năm ngoái là khoảng 122 tỷ nhân dân tệ, cao gấp hơn 4 lần mức của năm 2017 và lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Trong đó các doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 90%.
2. Nguyên nhân vì đâu?
Chủ yếu là do khan hiếm thanh khoản. Các nhà đầu tư và các ngân hàng – vốn trước đây thường ưu ái các con nợ được nhà nước hậu thuẫn – vẫn do dự không muốn giải ngân cho các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ hơn. Bên cạnh đó, cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc bất ngờ tiếp quản ngân hàng Baoshang. Đây là lần đầu tiên sau 2 thập kỷ ở Trung Quốc xảy ra 1 vụ tương tự như vậy, do đó khiến nhiều nhà đầu tư giảm mức độ ưa chuộng rủi ro.
Mặc dù lợi suất của trái phiếu do các công ty bị xếp hạng AA- (được coi là mức rác ở Trung Quốc) phát hành đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018, chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm của các công ty top đầu và nhóm các công ty có mức xếp hạng thấp hơn ngày càng nới rộng. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang quay lưng với rủi ro.
Cùng lúc đó, kinh tế Trung Quốc xuất hiện nhiều dấu hiệu mất đà, và các công ty yếu kém được cho là sẽ bị khan hiếm vốn cũng như chịu áp lực trả nợ ngày càng lớn.
3. Những ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Lần cuối cùng số vụ vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc đạt đỉnh là năm 2016, khi đó chủ yếu xảy ra ở các ngành bị dư thừa năng suất như thép và khai thác than. Lần này, phạm vi đã lớn hơn rất nhiều. Công ty dầu mỏ CEFC Thượng Hải và công ty than đá Wintime Energy là 2 công ty vỡ nợ lớn nhất năm 2018, theo dữ liệu của Bloomberg.
Năm nay, China Minsheng Investment Group, tập đoàn đa ngành đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ bất động sản, hàng không đến y tế đang đứng trước sức ép khổng lồ với núi nợ 34 tỷ USD. Tháng 4, tập đoàn này còn tuyên bố vỡ nợ trái phiếu niêm yết bằng đồng USD.
4. Mức độ trầm trọng đến đâu?
Các công ty Trung Quốc đã tích lũy nợ ít nhất là 1 thập kỷ trở lại đây, khi chính quyền do những người tiền nhiệm của ông Tập lãnh đạo đã kích thích kinh tế bằng cách tăng vay nợ để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính sách này giúp kinh tế Trung Quốc vượt qua sóng gió nhưng cũng phải trả giá khá đắt. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp/GDP tăng lên mức kỷ lục 160% vào cuối năm 2017, trong khi 10 năm trước chỉ là 101%.
Năm 2016, ông Tập tuyên bố sẽ dẹp tình trạng này nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế. Chính phủ của ông ban hành nhiều nghị quyết điều hành cách quản lý và giải ngân tín dụng, với 1 mục tiêu đặc biệt là xử lý hệ thống ngân hàng ngầm đã có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD.
5. Số vụ vỡ nợ tăng vọt ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Trung Quốc?
Xét theo những dấu hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc sẵn sàng hơn trong chuyện chấp nhận các vụ vỡ nợ cả trên thị trường nội địa và vỡ nợ nước ngoài, các nhà đầu tư tiềm năng đang phải đánh giá lại rủi ro. Họ cũng ngày càng hoài nghi về chất lượng của các báo cáo tài chính do các công ty Trung Quốc phát hành.
Mới đây Kangde Xin Composite Material Group, công ty có trụ sở ở tỉnh miền Đông Jiansu, đã bị phát hiện làm giả khoản lợi nhuận 11,9 tỷ nhân dân tệ trong giai đoạn 2015-2018.
6. Chính phủ Trung Quốc can thiệp như thế nào?
Trung Quốc vẫn đang tránh việc tung ra những gói cứu trợ trực tiếp mà thay vào đó lựa chọn các biện pháp hỗ trợ gián tiếp. Kể từ tháng 7/2018, thanh khoản liên tiếp được bơm vào thị trường thông qua các biện pháp điển hình như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Các nhà quản lý tiếp thêm tiền mặt cho các ngân hàng và yêu cầu họ giải ngân nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ.
Trong nỗ lực ngăn chặn cú sốc thanh khoản sau vụ tiếp quản ngân hàng Baoshang, giới chức đã yêu cầu các ngân hàng và công ty môi giới lớn hỗ trợ các "đồng đội" nhỏ hơn – vốn là bên mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất. Thách thức sẽ là làm thế nào để tận dụng các biện pháp can thiệp từ thị trường để giải quyết núi nợ doanh nghiệp mà không tạo ấn tượng hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn bị chi phối quá nhiều bởi nhà nước.
7. Cơ chế phá sản ở Trung Quốc là như thế nào?
Theo luật hiện hành, các công ty có vấn đề sẽ có 9 tháng kể từ khi tòa án chấp nhận hồ sơ xin phá sản để thuyết phục các bên chấp thuận 1 kế hoạch cải tổ. Nếu không làm được điều này, họ có thể tuyên bố phá sản và bị tịch biên tài sản.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại về sự can thiệp của mức của Chính phủ trong một số vụ cũng như sự lưỡng lự của các ngân hàng trong việc theo đuổi các kế hoạch cải tổ vì họ không muốn chịu thiệt hại. Trên thực tế, quá trình có thể kéo dài hơn rất nhiều trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có một số ít quyền lợi nhất định đối với các tài sản thuộc sở hữu của nhà nước.