Trung Quốc 'hắt hơi' khiến mọi nơi 'cảm lạnh': Gánh nặng chưa giàu đã già sẽ xoá bỏ danh hiệu 'công xưởng của thế giới' và thay đổi hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu
Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của chính sách Zero Covid ở Trung Quốc có thể chỉ là một vấn đề ngắn hạn. Song, một thách thức khác sẽ tồn tại trong nhiều thập kỷ đang dần hiện rõ.
- 20-12-2022Ngôi trường kín tiếng 'cho ra' toàn nhân tài quản lý quỹ: Dạy sinh viên 'trade' từ A-Z, học phí bằng 1/4 so với khối Ivy League nhưng kiếm nửa tỷ đô sau tốt nghiệp
- 20-12-2022Kỳ World Cup đắt đỏ nhất lịch sử kết thúc, Qatar sẽ làm gì với những công trình 300 tỷ đô sau khi hàng trăm nghìn người hâm mộ ra về?
Foxconn - nhà máy lắp ráp chính của iPhone, gần đây đã phải tạm đóng cửa khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt và buộc 200.000 công nhân phải ở lại nơi sản xuất. Sau đó, Apple cảnh báo rằng thời gian giao iPhone có thể sẽ bị chậm trễ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định sự gián đoạn này có thể chỉ là một phần nhỏ, khi nói về những tác động của tình trạng dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sụt giảm mạnh. Xu hướng này được dự đoán sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ hoặc lâu hơn, và thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu mãi mãi.
Động lực lớn nhất thúc đẩy công xưởng của thế giới nay đã hụt hơi
Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc - từ 15 đến 64, đã giảm từ mức đỉnh 997 triệu vào năm 2014 xuống 986 triệu vào năm ngoái. Theo các dự báo của LHQ, con số trên sẽ còn giảm nhanh hơn vào những năm 2030 và xuống hơn 60% còn 378 triệu vào cuối thế kỷ này.
Do tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ tăng, dân số ở nhiều nước phát triển đang già đi và sụt giảm. Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ, nền kinh tế lớn nhất châu Á đang chứng kiến xu hướng nhân khẩu học này diễn ra.
Khi dân số thế giới đạt 8 tỷ người vào tháng trước, một số quốc gia lại đạt được thành tích về nhân khẩu học tốt hơn. Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm tới và dân số cũng già đi với tốc độ chậm hơn nhiều từ nay đến hết thập kỷ. Tại Mỹ, dân số trong độ tuổi lao động được dự đoán vẫn ổn định ở mức hiện tại cho đến năm 2100.
Trong những thập kỷ qua, những người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc - chiếm hơn 70% tổng dân số, đã giúp quốc gia này trở thành công xưởng của thế giới và là một thị trường tiêu dùng mạnh. Sự sụt giảm của nhóm trong độ tuổi lao động có thể sẽ kéo tụt đà tăng trưởng của nước này và tạo ra những thay đổi trong hoạt động thương mại, đầu tư của thế giới.
George Magnus - nhà nghiên cứu tại China Centre của Đại học Oxford và là cựu kinh tế gia trưởng của ngân hàng đầu tư UBS, cho biết: “Xu hướng tăng trưởng về cơ bản là lực lượng lao động cộng với năng suất. Còn Trung Quốc đang đối mặt với triển vọng. kém khả quan hơn với cả 2 yếu tố này.”
Theo ông, nhìn chung GDP sẽ sụt giảm tỷ lệ thuận với số người trong độ tuổi lao động. Tình trạng này có thể phần nào giải quyết bằng cách như thu hút người nhập cư, phụ nữ và người lớn tuổi tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động và thúc đẩy năng suất.
S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức trung bình 4,4% vào năm 2030 và sau đó là 3,1% vào năm 2031 đến 2040, giảm tức mức 6% từ 2017 đến năm ngoái. Nguyên nhân là do những rủi ro từ lực lượng lao động sụt giảm, hoạt động tái cân bằng chưa được xử lý hiệu quả và tốc độ tăng trưởng năng suất đi xuống.
Theo mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ hướng đến việc trở nên độc lập hơn trong các ngành khoa học và công nghệ. Ông cũng cho biết IT, AI và các ngành năng lượng mới sẽ là động cơ của tăng trưởng trong tương lai.
Magnus cho hay: “Khoa học và công nghệ thực sự có ý nghĩa to lớn đối với triển vọng kinh tế trong tương lai, nhưng Trung Quốc vẫn chưa đủ mạnh để bù đắp cho những yếu tố đang kéo tụt đà tăng trưởng, trong đó có nhân khẩu học.”
Huang Wenzheng - nhà nhân khẩu học đã viết nhiều tài liệu về tỷ lệ sinh và lao động của Trung Quốc, cho biết dân số đông sẽ giúp thực hiện mục tiêu đổi mới và phát triển công nghệ thành công hơn. Ông chỉ ra lợi thế cốt lõi của Trung Quốc nằm ở 1,4 tỷ dân, họ là “những người siêng năng, dùng chung ngôn ngữ và văn hoá, theo đuổi thành công về vật chất.”
Ông nói thêm: “Họ đã giúp Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ cùng các đồng minh là Anh, Canada, Úc và New Zealand. Ngoài ra, người lao động cũng đóng góp rất lớn vào sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Khi tỷ lệ sinh giảm mạnh, Trung Quốc sẽ mất lợi thế này trong 2 đến 3 thế hệ.”
Tỷ lệ sinh ở Mỹ là 1,6 ca sinh/phụ nữ, trong khi Nhật Bản là 1,3. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm từ 2,6 vào cuối những năm 1980 xuống còn 1,15 vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để bù đắp cho tỷ lệ tử. Trong khi đó, Trung Quốc đã loại bỏ chính sách 1 con vào năm 2016 và thúc đẩy chính sách 3 con cùng những khoản hỗ trợ thuế và nhiều ưu đãi khác.
Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ em và chế độ nghỉ thai sản dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt cao và những vấn đề về phân biệt đối xử tại nơi làm việc tiếp tục khiến người trẻ tuổi e ngại việc sinh con.
Lực lượng lao động Trung Quốc thay đổi sẽ gây xáo trộn cho hoạt động kinh tế, thương mại toàn cầu
Theo Joseph Chamie - nhà nhân khẩu học và cựu giám đốc Ban Dân số của LHQ, cho biết các chính sách của Trung Quốc đã phần nào giúp tăng tỷ lệ sinh hiện tại nhưng nâng lên mức 2,1 là không thể. Theo những gì đã diễn ra ở nhiều quốc gia, khi tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức sinh thay thế thì rất khó để hồi phục lên mức cao hơn.
Một giải pháp mà các chuyên gia đưa ra là xác định lại độ tuổi lao động. Chamie cho biết, độ tuổi nghỉ hưu hợp pháp của Trung Quốc có thể tăng dần lên 70.
Ở Trung Quốc, độ tuổi nghỉ hưu hiện tại với nam giới là 60, nữ giới làm việc văn phòng là 55 và công nhân là 50. Quy định về độ tuổi nghỉ hưu đã không thay đổi trong hơn 70 năm, nhưng khi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể xảy ra thì Bắc Kinh đang cân nhắc để điều chỉnh.
Louis Kuijs - nhà kinh tế trưởng tại S&P khu vực châu Á Thái Bình Dương, chia sẻ quan điểm lạc quan: “Kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc rất hữu ích. Cả 2 đều đạt được tiến triển trong quá trình thay đổi mảng nhân khẩu học. Khi khan hiếm lao động, thì họ đã tăng tỷ lệ tham gia lên đáng kể trong thập kỷ qua.”
Kujis cho biết, ở Nhật Bản - nơi chính phủ nhấn mạnh việc tăng việc làm cho phụ nữ và người lớn tuổi, thì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã tăng lên 71% vào năm ngoái, cao hơn 6,4 điểm phần trăm trong 1 thập kỷ. Theo ông, tương tự như vậy, tỷ lệ tham gia của Trung Quốc sẽ không đổi cho đến năm 2030, tăng 3 điểm phần trăm trong khoảng thời gian từ 2030 đến 2040.
Theo CEIC Data, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Trung Quốc đã giảm từ 71% vào năm 2011 xuống còn 68% vào năm ngoái. Song, vẫn chưa có bằng chứng nào chỉ ra tác động của sự thay đổi về nhân khẩu học của Trung Quốc và liệu nước này có đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số hay không.
Xiujian Peng - nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Victoria ở Úc, cho biết, các quốc gia xuất khẩu tài nguyên nên chuẩn bị sẵn sàng, vì “những thay đổi này có thể sẽ đòi hỏi việc định hướng lại hoạt động xuất khẩu sang các nước bên ngoài Trung Quốc.”
Peng viết trong một bài báo cho WEF hồi tháng 7: “Đối với các nhà nhập khẩu hàng hoá, bao gồm cả Mỹ, nguồn hàng hoá sẽ dần chuyển sang các trung tâm sản xuất khác. Dù có những dự báo rằng ‘đây sẽ là thế kỷ của Trung Quốc’, nhưng ước tính về dân số lại thể hiện thực trạng khác, cho thấy sức ảnh hưởng sẽ dịch chuyển sang nơi khác, ví dụ như Ấn Độ, quốc gia có dân số dự kiến sẽ sớm vượt Trung Quốc.”
Magnus cảnh báo, nhân khẩu học có sự thay đổi đáng kể sẽ dẫn đến tình trạng tiết kiệm tư nhân ở Trung Quốc giảm sút, cũng như chi tiêu công liên quan đến người cao tuổi tăng lên. Theo đó, thời kỳ thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ sớm kết thúc và vai trò là trung tâm xuất khẩu hàng đầu thế giới sẽ giảm sút.
Tham khảo SCMP
Nhịp sống thị trường