Trung Quốc lẳng lặng 'giải cứu' Evergrande: Kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ, tập đoàn mắc nợ sẽ bị chia tách?
Trung Quốc đã kêu gọi các định chế tài chính hỗ trợ chính quyền địa phương ổn định thị trường nhà ở vốn đang hạ nhiệt nhanh chóng. Ngoài ra, Bắc Kinh đang thúc giục các công ty thuộc sở hữu nhà nước mua lại một số tài sản của Evergrande
Đây là một tín hiệu khác cho thấy chính quyền đang lo ngại về hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ tại tập đoàn bất động sản China Evergrande.
Tại cuộc họp do Thống đốc NHTW Yi Gang chủ trì ngày hôm qua, giới chức nước này yêu cầu các định chế tài chính hợp tác với chính quyền các địa phương "để cùng nhau duy trì sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng."
Cuộc họp này cũng có sự tham dự của các quan chức đến từ các cơ quan quản lý ngân hàng, thị trường chứng khoán, bộ quản lý nhà ở và giám đốc của 24 ngân hàng Trung Quốc. Ngoài ra, PBOC cũng kêu gọi các cơ quan, ngân hàng "nắm bắt chính xác và thực thi hệ thống quản lý an toàn tài chính đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung vào mục tiêu ‘bình ổn giá đất và nhà ở."
Thông báo mới một lần nữa lặp lại lời cam kết của PBOC 2 ngày trước đó về việc đảm bảo điều tiết một thị trường bất động sản lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Động thái mới nhất của NHTW Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Evergrande đang chìm trong khủng hoảng nợ, đứng trên bờ vực sụp đổ và có khả năng khiến 1,5 triệu người mua nhà phải chờ đợi những ngôi nhà chưa được hoàn thiện.
Citigroup ước tính, cuối năm ngoái, khoảng 41% tài sản trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản. Bởi vậy, giá bất động sản sụt giảm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản của các ngân hàng. Các khoản nợ xấu từ nhà phát triển bất động sản và người mua nhà ở các ngân hàng Trung Quốc ước tính lên tới 50,8 nghìn tỷ NDT (7,9 nghìn tỷ USD).
Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn nỗ lực thắt chặt quy định hạn chế trên thị trường bất động sản để kiềm chế rủi ro tài chính, giảm nhu cầu đấu giá đất của các chủ đầu tư và kiểm soát hoạt động đầu tư và đà tăng trưởng kinh tế. Một số nhà phân tích cho biết, các cơ quan quản lý có thể điều chỉnh chính sách mới nếu giá bất động sản bắt đầu suy giảm, ví dụ như nới lỏng hạn ngạch cho vay thế chấp. Ngoài ra, giới chức nước này cũng có khả năng sẽ yêu cầu các nhà phát triển đang gặp khó khăn phải cam kết giao các căn nhà đã được rao bán trước.
Trong khi đó, nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters, Bắc Kinh đang thúc giục các công ty thuộc sở hữu nhà nước và các nhà phát triển bất động sản được chính phủ hậu thuẫn như China Vanke mua lại một số tài sản của Evergrande. Giới chức nước này đang kỳ vọng rằng việc mua lại tài sản sẽ ngăn chặn hoặc ít nhất là giảm thiểu rủi ro mang tính xã hội nếu Evergrande sụp đổ.
Nguồn tin cho hay, một số doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã thực hiện cuộc thẩm định tài sản ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc. Guangzhou City Construction Investment Group đang chuẩn bị mua lại sân vận động Guangzhou FC của Evergrande và các dự án khu dân cư xung quanh. Sân vận động này đang được định giá khoảng 12 tỷ NDT (1,9 tỷ USD), có sức chứa hơn 100.000 người và trở thành sân bóng nhất thế giới tính theo sức chứa.
Theo nguồn tin giấu tên, bên mua tiềm năng đối với các tài sản cốt lõi của Evergrande ở Quảng Châu đã "cân nhắc cả về tính chính trị lẫn thương mại", các nhà chức trách không muốn chỉ có một vài công ty đấu thầu cùng một tài sản.
Tổng hợp