MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc liên tiếp đảo ngược các chính sách khắt khe, tâm lý lạc quan bao trùm nhà đầu tư: Điều tồi tệ nhất đã qua?

10-01-2023 - 01:04 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc liên tiếp đảo ngược các chính sách khắt khe, tâm lý lạc quan bao trùm nhà đầu tư: Điều tồi tệ nhất đã qua?

Sau nhiều năm nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chịu ảnh hưởng từ Zero Covid cùng sự siết chặt quản lý trong hàng loạt lĩnh vực, từ công nghệ tới bất động sản, các nhà đầu tư gần đây “đột ngột” cảm thấy lạc quan khi có sự đảo ngược mạnh mẽ từ nhà chức trách Trung Quốc.

Việc quốc gia đông dân nhất thế giới đột ngột loại bỏ các hạn chế trong việc kiểm soát Covid-19 vào tháng 12 vừa qua đã nhanh chóng kéo theo những sự thay đổi trên diện rộng trong một loạt các lĩnh vực khác. Trung Quốc đột ngột chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu than đá kéo dài suốt 2 năm qua với Australia, nới lỏng sự quản lý với các gã khổng lồ công nghệ như Alibaba và đang tính tới việc thay đổi các chính sách trong cái gọi là “ba lằn ranh đỏ”, vốn thổi bùng cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản nước này.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là cuộc đại tu có đưa nền kinh tế Trung Quốc trở lại với các chính sách linh hoạt, đã giúp phát triển kinh tế đất nước trong 4 thập kỷ qua hay chỉ là những phản ứng tức thời. Tuy nhiên, dù câu trả lời là gì, tâm lý lạc quan vẫn đang bao trùm các nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, một bữa tiệc đang diễn ra. Trong những ngày đầu năm 2023, Alibaba và Tencent Holdings Ltd. đều đã lấy lại tới 100 tỷ USD trong giá trị vốn hóa của mình. Cú tăng này đã chấm dứt chuỗi ngày bị bán tháo của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sau khi Chính phủ nước này quyết định kiểm soát chặt hơn với lĩnh vực từng nhiều năm là động lực phát triển của nền kinh tế.

Bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi với ngành công nghệ Trung Quốc xảy ra vào năm 2020, khi cơ quan quản lý ngăn chặn đợt chào sàn của Ant Group do Jack Ma hậu thuẫn. Sau đó là hàng loạt các cuộc điều tra nhằm vào các gã khổng lồ công nghệ như Alibaba, Meituan và Didi Global Inc.

Thông điệp của cơ quan quản lý Trung Quốc khi đó là hướng tới “sự thình vượng chung” và sẽ không có nhóm giàu có nào được hưởng đặc quyền, đặc lợi. Bên cạnh đó, nhiều công ty Internet cũng bị chỉ trích vì khai thác dữ liệu người dùng, tạo ra game trực tuyến khiến một thế hệ thanh niên lười biến, nghiện ngập và làm việc không hiệu quả.

Tuy nhiên, cuộc đại tu đó có kẻ đã kết thúc. Ông Guo Shuqing, một lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói rằng cuộc đại tu các quy định đã kết thúc và những gì cần làm “về cơ bản đã hoàn thành”.

Các game trực tuyến mới của Tencent đã được phê duyệt. Game của các nhà phát triển nước ngoài cũng được duyệt. Mảng cho vay tiêu dùng của Ant Group cũng đã được cho phép. Thông báo của Jack Ma tuyên bố từ bỏ quyền kiểm soát Ant Group càng làm dấy lên hy vọng công ty này sẽ được IPO trở lại dù mức định giá chỉ bằng một phần nhỏ so với kỳ vọng trước đây.

Hao Hong, nhà kinh tế trưởng tại Grow Investment Group, gọi những thay đổi gần đây của Trung Quốc là “ngoạn mục” đồng thời nhấn mạnh sự “xoay trục” diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực.

“Môi trường đã thân thiện hơn nhưng rõ ràng vẫn còn những lo ngại kéo dài. Hành động, nhất quán và theo sát diễn biến là những điều quan trọng mà các nhà đầu tư cần thực hiện”. Hao nói.

Christina Woon, Giám đốc đầu tư tại Abrdn plc., cho rằng: “Có nhiều lĩnh vực phải chịu sự kiểm soát mạnh mẽ trong vài năm qua nhưng tôi không nghĩ các biện pháp quản lý đó nhằm triệt tiêu sự đổi mới hoặc tăng trưởng. Điều nhất quán mà chúng ta thấy ở đây là mong muốn về sự bền vững, có thể là tăng trưởng ổn định trong nền kinh tế và tránh những rủi ro hệ thống”.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên