Trung Quốc muốn thay đổi luật chơi trên thị trường năng lượng toàn cầu?
Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm rất rõ ràng về việc đưa các hợp đồng giao dịch dầu tương lai trên sàn INE thành hợp đồng giao dịch dầu có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc củng cố vị thế siêu cường của nước này trên toàn cầu: cho phép giao dịch các hợp đồng dầu kỳ hạn tương lai.
Theo Nikkei trích nguồn tin từ sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (INE), những công tác chuẩn bị cuối cùng cho hoạt động giao dịch dầu tương lai tại Thượng Hải đã gần hoàn tất.
Trong năm 2017, hệ thống giao dịch hợp đồng dầu tương lai đã được thử nghiệm năm lần, dù cho đến nay vẫn còn một số lỗi nhất định nhưng đã đủ điều kiện để đi vào hoạt động, theo khẳng định của trợ lý sàn giao dịch East Asia Futures, ông Tang Yun.
Giao dịch dầu bằng đồng Nhân dân tệ sẽ có thể được bắt đầu từ tháng 3/2018 sau khi chính thức được chính phủ Trung Quốc cho phép.
Dù cho đến nay, chính phủ Trung Quốc cấm nhà đầu tư nước ngoài giao dịch hàng hóa tương lai trên thị trường Trung Quốc để ngăn tình trạng đầu cơ.
Riêng đối với các hợp đồng dầu tương lai chuẩn bị được đưa vào giao dịch lần này, Trung Quốc công bố sẽ chào đón và đối xử công bằng với cả nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, theo khẳng định của phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Trung Quốc, ông Jiang Yang.
Hiểu một cách đơn giản, chính phủ Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm rất rõ ràng về việc đưa các hợp đồng giao dịch dầu tương lai trên sàn INE thành hợp đồng giao dịch dầu có tầm ảnh hưởng toàn cầu, chính vì vậy mục tiêu đó chỉ có thể khả thi nếu có số lượng lớn các nhà giao dịch tham gia.
Khi một thị trường có nhiều nhà giao dịch tham gia, thị trường đó sẽ có thanh khoản cao hơn và niềm tin vào thị trường đó cũng sẽ tăng lên.
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc cố gắng khẳng định vị thế của mình trên thị trường năng lượng quốc tế. Trung Quốc bắt đầu cho phép giao dịch dầu tương lai từ năm 1993, thế nhưng sau đó lại ngừng giao dịch trong khoảng 1,5 năm do thị trường biến động mạnh và nhiều lý do khác.
Giờ đây, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục các công ty năng lượng và người tiêu dùng dầu trên thế giới tham gia vào thị trường mới do Trung Quốc đứng đầu. Sàn INE của Trung Quốc sẽ xử lý giao dịch của bảy loại dầu khác nhau do các nước Trung Đông sản xuất, trong đó có dầu sản xuất tại Iraq, Dubai và Oman.
Tập đoàn năng lượng nhà nước Trung Quốc Sinopic và nhiều tập đoàn/công ty năng lượng khác của nước này sẽ tận dụng cơ hội này để tham gia tích cực vào thị trường.
Nhiều công ty năng lượng khác của Trung Quốc cũng sẽ làm tương tự. Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tự do hóa ngành kinh doanh năng lượng từ năm 2015. Sàn INE ra đời sẽ giúp các công ty năng lượng Trung Quốc có thêm cơ hội giảm bớt rủi ro từ biến động giá dầu Trung Đông.
Rõ ràng, Trung Quốc đang muốn thách thức một trật tự thế giới luôn do Mỹ đứng đầu đã được duy trì suốt từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Dù cho đến nay, nhu cầu tiêu thụ dầu ở châu Á tăng cao, những loại dầu chủ chốt của thế giới vẫn là dầu WTI ở Mỹ và dầu Brent ở Anh. Vị thế của hai loại dầu này quyết định thanh khoản và sự minh bạch của thị trường.
Giao dịch của dầu thô Dubai, loại dầu chuẩn của châu Á, vẫn còn vô cùng hạn chế. Hoạt động giao dịch các hợp đồng tương lai của loại dầu này tại thị trường Tokyo và nhiều nơi khác diễn ra chậm chạp. Và giá dầu Dubai chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá dầu Brent.
Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 8,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Như vậy, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cao hơn cả Mỹ với 7,9 triệu thùng dầu thô/ngày. Trong thập kỷ vừa qua, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng trưởng 200%.
Trung Quốc đặt mục tiêu kiểm soát giá dầu thô bằng việc tận dụng sức ảnh hưởng cực lớn trên thị trường dầu. Chính phủ Trung Quốc muốn thách thức vị thế của đồng USD bằng cách cho phép giao dịch dầu bằng đồng nhân dân tệ.
Hiện tại, gần như tất cả các giao dịch dầu trên thế giới được thực hiện bằng đồng USD, chỉ chưa đến 1% các giao dịch được thực hiện bằng loại tiền tệ khác.
Chính vì vậy, cho đến hiện tại, nước Mỹ vẫn có thế thống trị trong nền kinh tế thế giới. Chính phủ Trung Quốc muốn đưa đồng nhân dân tệ thành đồng tiền toàn cầu và việc giao dịch dầu bằng đồng nhân dân tệ sẽ giúp các tham vọng sớm thành sự thực.
BizLIVE