MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc ngay lập tức đánh mất vị trí công xưởng thế giới sau cú sốc Covid-19 chỉ là điều lầm tưởng?

26-05-2020 - 10:14 AM | Tài chính quốc tế

Theo các chuyên gia phân tích, đối với nhiều công ty thì điều chỉnh chuỗi cung ứng hậu Covid-19 đồng nghĩa với mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc chứ không nhất thiết là phải rời khỏi nơi đây.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện ở thành phố Vũ Hán cuối năm ngoái, các lệnh phong tỏa đã khiến các hoạt động kinh tế ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng băng, nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của mọi mặt hàng từ đồ chơi trẻ em đến dược phẩm.

"Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho hầu như tất cả các công ty", Gerry Mattios, phó chủ tịch của công ty nghiên cứu Bain nói. "Giờ đây ưu tiên số 1 trong chiến lược phát triển công ty là "nên làm gì để củng cố chuỗi cung ứng".

Và yếu tố quan trọng nhất của chiến lược đó là xây dựng tính linh hoạt – khả năng nhanh chóng chuyển đổi các nguồn lực sản xuất để thích ứng với những thách thức trong tương lai.

Theo Mattios, Trung Quốc sẽ không đột ngột đánh mất vị trí "công xưởng thế giới". "Một lượng lớn hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu có thể được di dời khỏi Trung Quốc, nhưng hoạt động sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa vẫn sẽ ở lại Trung Quốc".

Báo cáo mùa hè năm ngoái của McKinsey chỉ ra Trung Quốc chiếm 35% sản lượng sản xuất toàn cầu. Nền kinh tế châu Á này cũng trở thành thị trường lớn nhất thế giới của nhiều mặt hàng, từ ô tô, điện thoại di động đến các mặt hàng xa xỉ, chiếm khoảng 30% tổng lượng tiêu thụ trên toàn thế giới.

Tính đến nay đã có 5,4 triệu người nhiễm Covid-19, ít nhất 345.000 người thiệt mạng trong đó hơn 4.600 ở Trung Quốc. Đại dịch làm dòng chảy hàng hóa toàn cầu đứt đoạn, trong bối cảnh một số ngành vốn đã chứng kiến sự dịch chuyển do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và việc chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng lên.

Trong nỗ lực kiểm soát virus, hơn một nửa các tỉnh thành ở Trung Quốc đã kéo dài kỳ nghỉ tết nguyên đán thêm ít nhất 1 tuần. Theo tính toán của CNBC, các vùng này chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Từ phía doanh nghiệp, xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn cũng đồng nghĩa họ phải nhận ra rằng đại dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, theo How Jit Lim, giám đốc công ty tư vấn Alvarez&Marsal.

Theo ông, để đưa ra quyết định dịch chuyển hoạt động sản xuất sẽ cần đến sự cam kết và lên kế hoạch dài hơi, điều không thể xảy ra chóng vánh sau 1 đêm. "Trung Quốc vẫn đang là giải pháp rất hấp dẫn cho chuỗi cung ứng tổng thể. Trên thế giới có rất ít quốc gia mà bạn có thể tìm thấy mọi thứ cần thiết để xây dựng thứ gì đó.. Ngoài ra lực lượng lao động Trung Quốc có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm cũng là yếu tố rất hấp dẫn".

Ngoài các yếu tố về hiệu quả kinh doanh đơn thuần, Lim nhắc đến 1 điều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng: chính trị. Một số nước đang gây sức ép buộc các công ty rời khỏi Trung Quốc để trở về quê nhà. Đồng tình với quan điểm này, Mattios cho rằng "chúng ta sẽ chứng kiến một số địa điểm mới bắt đầu tự xây dựng năng lực sản xuất cho riêng mình". Thế giới hướng tới nền sản xuất phân mảnh hơn, với nhiều công xưởng nhỏ rải rác khắp nơi thay vì ý tưởng "công xưởng thế giới" như trong quá khứ.

Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng đang có những động thái để thuyết phục các công ty ở lại. Tại 1 buổi họp báo diễn ra trong tháng này, các quan chức nước này đã nhấn mạnh sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc. Cuối tuần trước, ông Zhang Yesui, người phát ngôn quốc hội Trung Quốc, khẳng định các công ty nước ngoài không ồ ạt rời khỏi đây, đồng thời cho rằng Mỹ và Trung Quốc nên phối hợp với nhau vì 1 chuỗi cung ứng mở và vì tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tham khảo CNBC

Thu Hương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên