Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn xuống mức thấp kỷ lục
Hôm nay (15/4), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa đưa ra thông báo cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) cho các tổ chức tài chính xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, trong nỗ lực vực dậy "sức khỏe" cho nền kinh tế số 2 thế giới đang bị tác động bởi đại dịch.
- 12-04-2020Trung Quốc: Người nước ngoài vi phạm lệnh cách ly có thể bị ‘cấm cửa’ 10 năm
- 12-04-2020Covid-19: Câu hỏi hóc búa làm Mỹ-châu Âu điên đầu đã được Trung Quốc phá giải tài tình như thế nào?
- 10-04-2020Nhật Bản sẽ chi hơn 2 tỷ USD để kêu gọi các công ty chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc
PBOC tuyên bố cắt giảm 20 điểm cơ bản trong lãi suất cho vay trung hạn một năm (MLF) đối với các tổ chức tài chính, từ 3,15% xuống còn 2,95%, mức thấp nhất kể từ khi công cụ thanh khoản này được giới thiệu vào tháng 9/2014.
Việc hạ lãi suất này của PBOC đã giúp khơi thông 100 tỷ nhân dân tệ (14,19 tỷ USD) vào thị trường tài chính. Cơ quan này thường tiến hành các hoạt động MLF khi đến hạn đáo hạn nhưng lại không có khoản vay nào hết hạn vào hôm nay 15/4. Trong khi đó, chỉ sau 2 ngày nữa, tức ngày 17/4, một loạt các khoản vay trị giá 200 tỷ nhân dân tệ này sẽ đáo hạn.
Một khoản vay thông qua cơ sở cho vay trung hạn có trị giá 267,4 tỷ nhân dân tệ khác dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 24/4 tới. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng PBOC sẽ cho phép họ gia hạn thanh toán và tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Động thái mới nhất này diễn ra sau thông báo bất ngờ của PBOC hồi đầu tháng 4 rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất mà họ phải trả cho dự trữ vượt mức của các ngân hàng thương mại và giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng nắm giữ. Sau đó, giai đoạn đầu tiên của giải pháp này sẽ có hiệu lực từ hôm nay (15/4), giải phóng khoảng 400 tỷ nhân dân tệ thanh khoản vào hệ thống tài chính.
Lãi suất MLF thấp hơn sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, bởi lãi suất cho vay trung hạn hiện đóng vai trò là cơ sở cho lãi suất cho vay cơ bản.
Việc cắt giảm này được đánh giá là phù hợp với phần lớn kỳ vọng của thị trường, vì các nhà kinh tế cho rằng ngân hàng trung ương sẽ giữ đường cong lãi suất ổn định bằng cách hạ lãi suất MLF xuống cùng mức với mức cắt giảm lãi suất repo 7 ngày vào cuối tháng 3.
Việc cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn này sẽ mở đường cho việc cắt giảm tương tự với lãi suất cho vay cơ bản của quốc gia (LPR) để giảm chi phí vay và giảm bớt căng thẳng tài chính cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sẽ được công bố vào ngày 20/4 sắp tới.
Trước đó, hồi giữa tháng 2, PBOC cũng đã có hành động tương tự. Sau khi hạ lãi suất 10 điểm cơ bản đối với khoảng 200 tỷ nhân dân tệ (28,65 tỷ USD) giá trị các khoản vay trung hạn có kỳ hạn một năm (MLF), tức từ 3,25% trước đây xuống 3,15%, chỉ 3 ngày sau, ngân hàng này tiếp tục thông báo hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm từ 4,15% xuống 4,05%/năm, trong khi đó lãi suất kỳ hạn 5 năm được giảm từ 4,8% xuống 4,75%/năm.
Cùng với PBOC, trong vài tuần qua, một loạt các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã triển khai các biện pháp kích thích được đánh giá là chưa từng có, bao gồm cắt giảm mạnh lãi suất và bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường để hỗ trợ nền kinh tế khi nhiều quốc gia đã buộc phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tham khảo: Reuters
Tổ Quốc
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19