MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tung thêm biện pháp để kích thích kinh tế: Các ngân hàng quốc doanh lớn nhất đồng loạt hạ lãi suất cho vay và tiền gửi

29-08-2023 - 20:32 PM | Tài chính quốc tế

Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang “dồn lực” để  tìm cách thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, sau khi các nhà hoạch định chính sách nước này tìm cách thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, ngay trong ngày 29/8, Trung Quốc có thể sẽ đưa ra thông báo rằng các ngân hàng quốc doanh nước này sẽ hạ lãi suất đối với phần lớn trong số 38,6 nghìn tỷ NDT (5,3 nghìn tỷ USD) các khoản thế chấp hiện có. Quyết định này sẽ chỉ có hiệu lực đối với những người mua nhà lần đầu.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCBC) dự kiến cuối tuần này cũng hạ lãi suất tiền gửi lần thứ 3 trong năm nay.

Theo đó, động thái này sẽ bước đi mới nhất mà Bắc Kinh triển khai, trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, thu hút thêm dòng vốn vào thị trường chứng khoán và giảm bớt áp lực cho người đi vay.

Việc hạ lãi suất cho vay được thị trường Trung Quốc rất kỳ vọng, sau khi PBOC hồi tháng 7 đã phát tín hiệu về động thái này. Các nhà đầu tư cũng lo ngại về rủi ro từ cuộc suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, nhất là gần đây sau khi một ngân hàng “ngầm” đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Chính phủ Trung Quốc đã thận trọng trong việc đưa ra các biện pháp kích thích quy mô lớn. Thay vào đó, giới chức nước này thực hiện những động thái có mục tiêu để vực dậy chi tiêu hộ gia đình. Sau khi hạ lãi suất chuẩn và đưa chi phí đi vay trung bình xuống mức thấp kỷ lục, hầu hết các hộ gia đình vẫn chưa được hưởng lợi, vì phải đến năm sau các ngân hàng mới định giá lại các khoản vay.

Các nhà phân tích của JPMorgan ước tính, mức lãi suất hàng năm đối với các khoản vay mới là 4,18%, thấp hơn khoảng 60 điểm cơ bản so với dư nợ hiện có. Do đó, một số người tiêu dùng sử dụng các khoản vay ngắn hạn sẽ thanh toán nợ thế chấp sớm hơn.

Theo dữ liệu từ cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc, hơn 90% các khoản vay chưa thanh toán của Trung Quốc được sử dụng cho các ngôi nhà mua lần đầu, tính đến tháng 7/2021. Năm 2022, hơn 80% các khoản cho vay mua nhà mới là của những người mua nhà lần đầu.

Các nhà phân tích của Citigroup cho biết trong báo cáo hồi tháng 8, nỗ lực mới nhất của Trung Quốc lại làm dấy lên lo ngại về gánh nặng của các ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế cả nước và đối mặt với rủi ro lợi nhuận sụt giảm.

Nguồn tin thân cận cho hay, để giảm bớt áp lực, các ngân hàng quốc doanh lớn có thể hạ lãi suất tiền gửi bằng đồng NDT đối với các nhóm kỳ hạn chính từ 5-20 điểm cơ bản. Các cơ quan quản lý đã phê duyệt kế hoạch này và có thể sẽ đưa ra thông báo vào ngày 1/9.

Lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi nguy cơ vỡ nợ ngày càng tăng đối với các ngân hàng “ngầm”. Giới phân tích cũng nhấn mạnh về rủi ro ngày càng lớn liên quan đến các phương tiện tài trợ của chính quyền các địa phương.

Để ổn định thị trường tài chính, PBOC vẫn duy trì lãi suất chủ chốt và chỉ thực hiện các đợt hạ lãi suất quy mô nhỏ. Điều này có thể giúp tăng nguồn cung tiền mà không gây áp lực lớn đối với biên lợi nhuận của các ngân hàng. Trong một động thái bất ngờ, PBOC hồi đầu tháng này đã hạ lãi suất mạnh nhất trong 3 năm đối với các khoản vay 1 năm.

Tính đến tháng 6, 100 trong số 343 thành phố của Trung Quốc đã hạ lãi suất thế chấp đối với các khoản vay mua nhà mới hoặc loại bỏ mức lãi suất tối thiểu bắt buộc. Theo đó, lãi suất thế chấp trung bình ở nước này là 4,11% trong tháng 6, thấp hơn 0,51 điểm phần trăm so với 1 năm trước.

Theo báo cáo của Zhongtai Securities, lần gần đây nhất Bắc Kinh thực hiện động thái tương tự là đầu năm 2009. Khi đó, một số ngân hàng quốc doanh đã hạ lãi suất cho những người đi vay đủ điều kiện ở một số khu vực nhất định nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tham khảo Bloomberg

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên