Trung Quốc tuyên bố trồng những cây đầu tiên trên mặt trăng
Các nhà khoa học Trung Quốc đã trồng thành công những cây đầu tiên trên mặt trăng, một phần trong sứ mệnh chinh phục vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất.
- 04-11-2018“Mặt trăng ma” quanh quẩn trong quỹ đạo quanh trái đất
- 18-09-2018Gặp mặt tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa, vị khách đầu tiên được Elon Musk cho đi vòng quanh mặt trăng
- 18-09-2018Tỷ phú Nhật sẽ du hành tới mặt trăng cùng SpaceX của Elon Musk
- 23-07-2017Bán đấu giá các kỷ vật của con tàu đầu tiên hạ cánh xuống mặt trăng, thu hàng triệu USD
- 21-07-2017Bán 1 túi bụi mặt trăng, lãi gần 1,8 triệu USD
Trong bức ảnh được gửi về trái đất hôm 12/1, cái cây dường như đang phát triển tốt sau 9 ngày được trồng xuống. Trường Đại học Chongqing, đơn vị chịu trách nhiệm cho dự án này, đã công bố những thành tựu của hoạt động này trước báo chí. Theo đó, chiếc lá xanh đầu tiên của cây đã được nhìn thấy sau khi hạt nảy mầm.
Giáo sư Xie Gengxin, phụ trách Viện nghiên cứu Công nghệ tiến bộ Đại học Chongqing đồng thời là trưởng dự án, nhấn mạnh: "Thí nghiệm đã cho phép những mầm cây nhú lên ở mặt trăng không có sự sống". Không có bầu khí quyển, hay nước, mầm cây trên mặt trăng phải tiếp xúc với những điều kiện khắc nghiệt nhất như chênh lệch nhiệt độ, bức xạ mạnh…. Tuy nhiên, cây vẫn nằm trong môi trường kín.
CNN dẫn nguồn tin từ phía Trung Quốc cho biết các hạt nảy mầm là hạt cây bông, được đưa lên mặt trăng bởi một tàu thăm dò Trung Quốc. Việc các cây này nảy mầm thành công đánh đấu những cây đầu tiên mọc trên mặt trăng. Hình ảnh mà phía Trung Quốc công bố cho thấy những mầm nhỏ mọc trên một chiếc chậu bên trong tàu vũ trụ, cách trái đất hàng trăm nghìn km.
Trung Quốc trở thành đất nước đầu tiên hạ tàu thăm dò vũ trụ xuống phần tối của mặt trăng vào hôm 3/1. Tàu thăm dò mặt trăng có tên Yutu 2 đã hạ cánh xuống miệng núi lửa lớn nhất và lâu đời nhất mặt trăng có tên South Pole-Aitken Basin.
Trong sứ mệnh mang tên Chang’e 4, tàu vũ trụ của Trung Quốc sẽ thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong đó có dò tìm nước tại các cực của mặt trăng. Một nhiệm vụ khác là kiểm tra xem thực vật có thể phát triển trong môi trường trọng lực thấp hay không. Hạt nảy mầm cho thấy thí nghiệm đã thành công một phần.
Hệ thống trong tàu vũ trụ bắt đầu tưới nước cho các hạt khi tàu thăm dò hạ cánh. Chưa đầy một tuần sau, chồi non đã xuất hiện. Mặc dù con người từng cho hạt cây nảy mầm trong không gian nhưng chưa bao giờ người ta thử trồng cây trên mặt trăng.
Ngoài hạt bông, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang nỗ lực cho hạt cải, khoai tây nảy mầm cũng như cố gắng ấp trứng ruồi giấm để xem nó có thể nở trên mặt trăng hay không. Các thí nghiệm sẽ cho thấy cuộc sống phát triển như thế nào trong môi trường bức xạ cao và trọng lực yếu. Thậm chí, nó có thể cung cấp những dữ liệu quan trọng để giúp con người có thể sống trên mặt trăng trong tương lai.
Sứ mệnh Chang’e 4 dường như vẫn chỉ là một phần trong nỗ lực chinh phục không gian của Trung Quốc. Nước này cũng đã công bố triển khai một đợt thăm dò khác mang tên Chang’e 5 với tàu vũ trụ đáp xuống, thu thập mẫu vật trên mặt trăng và đưa nó trở về trái đất. Sứ mệnh thăm dò sao Hỏa đầu tiên được lên kế hoạch vào năm 2020.