MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc yêu cầu người mắc Covid-19… đi làm trở lại

21-12-2022 - 14:43 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc yêu cầu người mắc Covid-19… đi làm trở lại

Người lao động mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ đang được yêu cầu trở lại làm việc tại một số thành phố của Trung Quốc, bằng chứng cho thấy nước này đang đảo ngược chính sách phòng dịch nghiêm ngặt của mình.

Yêu cầu đặc biệt

Công chức ở thành phố Trùng Khánh, phía tây Trung Quốc, đã được yêu cầu tiếp tục làm việc nếu họ mắc Covid-19 mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Các quan chức ở Chiết Giang, một trung tâm sản xuất nằm bên bờ biển phía đông Trung Quốc và một thành phố ở tỉnh An Huy gần đó cũng đã bật đèn xanh cho những người dương tính với Covid-19 được trở lại làm việc.

Những động thái này xuất hiện vài tuần sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng Covid-19, làm dấy lên hy vọng quốc gia này sẽ sớm mở cửa trở lại. Tuy nhiên, thay đổi này cũng thổi bùng làn sóng lây nhiễm ở các đô thị lớn, trong đó có cả thủ đô Bắc Kinh. Các chuyên gia tin rằng số ca mắc Covid-19 ở Trung Quốc sẽ tăng vọt.

Tuy nhiên, số ca mắc có lẽ sẽ không cản trở quyết tâm đưa nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng ổn định của chính phủ nước này. Việc cho phép những người dương tính với Covid-19 đi làm, đặc biệt là trong các nhà máy, chắc chắn sẽ khiến sự lây lan mạnh hơn. Dẫu vậy, một số doanh nghiệp sẵn sàng vượt qua được thử thách đó, đặc biệt là với đội ngũ lao động trẻ và không có triệu chứng nặng.

Trung Quốc yêu cầu người mắc Covid-19… đi làm trở lại - Ảnh 1.

Động lực để làm việc

Hầu hết người lao động tại các nhà máy sản xuất của Peter Yu ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, vẫn đang làm việc ngay cả khi có triệu chứng. Yu cho biết mọi người được trả lương theo lượng sản phẩm họ làm ra nên họ rất có động lực để làm việc ngay cả khi nhiễm bệnh.

Do Trung Quốc đã dỡ bỏ phần lớn hệ thống xét nghiệm PCR của mình nên các doanh nghiệp chỉ biết người lao động của họ mắc Covid-19 hay không nếu họ tự khai báo. Nếu người bị ốm không xét nghiệm và không khai báo, không ai có thể xác định họ mắc Covid-19.

“Đối với công ty của chúng tôi, năng lực sản xuất thực sự rất quan trọng. Dừng lại một ngày thôi cũng đồng nghĩa với một tổn thất lớn. Nếu họ tự báo mình mắc Covid-19, chúng tôi sẽ khuyên họ nên ở nhà và chờ khỏi bệnh. Nhưng thực tế là nhiều công nhân bị ốm và họ không có các triệu chứng nghiêm trọng nên họ chọn tiếp tục làm việc mà không khai báo hoặc không xét nghiệm”, ông Yu nói.

Cách làm ở Trung Quốc không phải điều gì quá mới. Ở nhiều nước khác, khi người ta chuyển từ phòng chống Covid-19 sang sống chung với nó, những người mắc bệnh không triệu chứng hoàn toàn có thể ra nơi công cộng hoặc đi tới nơi làm việc. Điều này nhằm mục địch làm phẳng đường cong và giảm thiểu tác động đến các bệnh viện khi số ca mắc tăng vọt

Trung Quốc yêu cầu người mắc Covid-19… đi làm trở lại - Ảnh 2.

Sự nguy hiểm của Covid-19 bị hạ thấp

Khi bắt đầu nới lỏng các quy định, Trung Quốc phải dựng các phòng khám tạm thời cho những người bị sốt tại Bắc Kinh khi số lượng người đổ tới bệnh viện quá đông. Kể từ đó, nhà chức trách nước này đã tập trung vào việc tuyên truyền nhằm hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19 và khuyên mọi người ra khỏi nhà nếu có thể - một thay đổi bước ngoặt với các phương pháp chống dịch trước đây của Trung Quốc.

Giờ đây, khi số ca mắc Covid-19 ở Bắc Kinh có vẻ đã chạm đỉnh và giảm bớt, nhà chức trách nói rằng người lao động mắc Covid-19 không cần chứng minh âm tính để quay lại nơi làm việc, miễn là họ đã thực hiện một tuần cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn cách giữ công nhân của họ trong một bong bóng an toàn để hạn chế ca mắc. Foxconn Technology Co. và nhà sản xuất ô tô Geely yêu cầu người lao động không rời nhà máy. Các hệ thống cho thấy nhân viên bị giới hạn trong khuôn viên nhà máy và thường xuyên được xét nghiệm.

Việc mở cửa trở lại kèm với tình trạng thiếu người lao động và sản lượng giảm là điều từng xảy ra với doanh nghiệp trên khắp thế giới khi mở cửa trở lại. Ở Trung Quốc cũng sẽ có trải nghiệm tương tự nhưng quy mô sẽ lớn hơn nhiều khi các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế thứ 2 thế giới mà còn có ý nghĩa quan trọng với chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu.

Việc khuyến khích các trường hợp mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng đi làm trở lại có thể làm giảm bớt những tác động kể trên ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ làm gia tăng số ca mắc, dẫn đến nhiều trường hợp mắc bệnh hơn và có thể sẽ là cả những ca tử vong.

Tuy nhiên, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm qua đã công bố việc thay đổi cách tính trường hợp tử vong vì Covid-19. Theo đó, chỉ bệnh nhân dương tính với virus, tử vong vì viêm phổi hoặc suy hô hấp mới được thống kê là người chết vì Covid-19.

“Những người mắc bệnh nền khác nhau, tử vong vì các triệu chứng không liên quan trực tiếp tới Covid-19, sẽ không được thống kê ngay cả khi họ vẫn đang mắc Covid-19”, thông báo nêu rõ.

Trung Quốc cũng cho biết biến chủng Omicron, vốn đang gây ra làn sóng dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc, có độc lực yếu hơn nên Trung Quốc cần có sự thay đổi trong việc phân loại bệnh nhân tử vong vì Covid-19 so với những cách phân loại trước đây mà nước này áp dụng.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên