Trước khi mở cửa hàng tại Trung Quốc, Trung Nguyên Legend đã mở tại Lào, giờ ra sao?
Theo chuyên gia, rủi ro thâm nhập vào thị trường mới rất cao, do đó để đạt được tính bền vững trong kinh doanh ở thị trường nước ngoài, các thương hiệu Việt nên nghĩ cách thực hiện kế hoạch tiếp thị chiến lược dài hạn.
Ngày 21/9, Trung Nguyên Legend công bố khai trương không gian đầu tiên ở nước ngoài tại Trung tâm thương mại Taikoo Hui, Thượng Hải, Trung Quốc gây nhiều chú ý. Tiếp sau đó, Công ty chia sẻ về tiềm năng kinh doanh của thương hiệu tại quốc gia này. Cụ thể, tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 800 triệu ly cà phê Trung Nguyên Legend được bán ra tại Trung Quốc. Trung bình cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra trên toàn Trung Quốc thì có 1 ly cà phê đến từ thương hiệu Trung Nguyên Legend.
Tương lai Trung Nguyên có thành công ở Trung Quốc hay không vẫn còn phía trước, bởi “mang chuông đánh xứ người” chưa bao giờ là dễ dàng, và theo các chuyên gia phải nhìn là hành trình dài hạn.
Thực tế, đây không phải là lần đầu Trung Nguyên đưa mô hình cửa hàng ra nước ngoài. Trước đó năm 2020, Trung Nguyên đã mở cửa hàng quốc tế đầu tiên tại xaysettha, Vientiane, Laos.
Lúc bấy giờ, thị trường Lào theo Công ty cũng rất hứa hẹn, khi giai đoạn 2018-2020 được đánh giá là thời điểm lên ngôi của đồ uống cà phê tại Lào, với sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu chuỗi cửa hàng cà phê của Lào hay Thái Lan, Hàn Quốc.
Dù vậy, tình hình kinh doanh đến nay có vẻ “bặt vô âm tín”, fanpage của cửa hàng Trung Nguyên tại Lào cũng không mấy sôi động.
Không riêng Trung Nguyên, nhiều chuỗi cà phê Việt khác cũng đã sớm “xuất ngoại”.
Đơn cử, TNI King Coffee (của bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ cũ chủ quản Trung Nguyên) vừa mở cửa hàng cà phê Việt tại Dubai. Trước đó, bà Thảo đã sớm phát triển thị trường quốc tế tại Singapore, Mỹ.
Gây nhiều chú ý còn phải kể đến Phúc Long, giữa năm 2021 - ngay sau cái bắt tay với Masan - thông báo mở mô hình cà phê tại Mỹ.
Chuỗi thương hiệu Cộng Cà phê – cũng sớm bước ra sân chơi ở Hàn Quốc - đến nay đã mở rộng thêm nhiều cửa hàng (bao gồm tại trung tâm Seoul). Trước Hàn, Cộng cà phê cũng đã xuất khẩu mô hình quán cà phê của mình thành công sang thị trường Malaysia.
Hay các thương hiệu F&B Việt khác như Phở 24, Bánh mỳ Phượng (Hội An)… cũng tiên phong mở rộng thương hiệu ra nước ngoài, tuy nhiên kết quả không để lại nhiều dấu ấn.
Nhận định về điều này, giới chuyên môn cho rằng rất khó để nhượng quyền ra thế giới. Động thái này đòi hỏi doanh nghiệp phải dám thay đổi, có cùng tầm nhìn và đặc biệt phải xây dựng các nền tảng vững chắc cũng như đi theo một lộ trình rõ ràng theo các giai đoạn.
Mặt khác, rủi ro thâm nhập vào thị trường mới rất cao, do đó để đạt được tính bền vững trong kinh doanh ở thị trường nước ngoài, các thương hiệu Việt nên nghĩ cách thực hiện kế hoạch tiếp thị chiến lược dài hạn, bao gồm (i) xây dựng chiến lược giá và sản phẩm khác biệt với đối thủ cạnh tranh; (ii) thiết lập hình ảnh thương hiệu quan trọng hơn nhiều so với việc mở rộng thị trường bằng cách đốt tiền...
Nhịp sống thị trường