MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước năm 2040, khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng trữ lượng gấp 20 lần bể than Quảng Ninh

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đề ra mục tiêu vận hành khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng trước năm 2040

Phấn đấu khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng trước 2040

Phấn đấu khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng trước 2040 (ảnh minh hoạ)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 55/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về mục tiêu, định hướng phát triển, trong đó về thăm dò và khai thác than tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có; đẩy mạnh việc thăm dò các mỏ mới, đảm bảo công tác thăm dò luôn đi trước một bước.

Phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than Bể than Đông Bắc, hoàn thành công tác thăm dò đến đáy tầng than Bể than An Châu nhằm xác minh và nâng cấp trữ lượng than đảm bảo đủ độ tin cậy theo quy định để huy động vào thiết kế khai thác.

Phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác (không bao gồm than bùn) giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 45-50 triệu tấn/năm và giảm dần trong giai đoạn 2031-2045 (đạt khoảng 38-40 triệu tấn vào năm 2045).

Chiến lược cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đưa vào vận hành khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng trước năm 2040 để tiến tới khai thác quy mô công nghiệp trước năm 2050 (nếu thử nghiệm thành công).

Bể than sông Hồng gấp 20 lần bể than Quảng Ninh

Tại Hội thảo "Đánh giá tiềm năng khai thác và sử dụng bể than đồng bằng sông Hồng" do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tháng 12-2018, cho biết Đề án "Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể Sông Hồng" được thực hiện từ năm 2012.

Tổng diện tích điều tra là 2.765 km2 thuộc địa phận các tỉnh: Thái Bình (1.521 km2), Hải Dương (435 km2), Hưng Yên (398 km2), Nam Định (272 km2), Hải Phòng (106 km2), Hà Nam (33 km2).

Đề án đề ra nhiệm vụ là khoanh định cấu trúc địa chất chứa than và các khoáng sản khác đi kèm; xác định các tầng trầm tích chứa than và các vỉa than; đánh giá tài nguyên than, xác định tiềm năng các khoáng sản khác gặp trong quá trình điều tra, đánh giá...

Khi đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết tính đến năm 2016 đã xác định được 55 vỉa than nằm trong 5 tập vỉa tính từ trên mặt đến độ sâu khoảng 1.200 m ở phần đất liền bể than Sông Hồng.

Theo đó, trong số các vỉa than đã phát hiện, có 48 vỉa than dày trên 1 m, 13 vỉa than dày trên 3 m và 2 vỉa than chiều dày 8,6-10 m gặp ở một số lỗ khoan. Riêng các vỉa than dày trên 1 m nằm ở độ sâu 379-1.044 m, tại nhiều lỗ khoan, độ sâu gặp than nông hơn so với dự đoán.

Đặc biệt, kết quả khoan ở khu vực ven biển Thái Bình Dương (ngoài đê chắn sóng) đã gặp than nông hơn dự kiến.

Khi đó, TS Đào Văn Thịnh, Viện Địa chất và Môi trường (Tổng hội Địa chất Việt Nam), cho biết các đề án nghiên cứu cho thấy bể than sông Hồng có tiềm năng tài nguyên than rất cao. Nếu tính đến độ sâu -3.500 m thì tổng tài nguyên than đạt 210 tỉ tấn, gấp 20 lần bể than Quảng Ninh được chia thành 8 vùng tài nguyên than. Tuy nhiên, tiềm năng tài nguyên và trữ lượng có khả năng khai thác thực tế hoàn toàn khác nhau.

Ông Thịnh cũng lưu ý chỉ nên khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng sau khi đã nghiên cứu kỹ các vấn đề một cách khoa học và khách quan.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên