Trước Pegatron "bỏ" Việt Nam sang Indonesia, một đại gia khác cũng dự kiến dự án tỷ đô ở Việt Nam rồi chuyển hướng đầu tư sang Ấn Độ
Năm 2015, báo chí trong nước đã đưa tin về việc Tập đoàn Foxconn của Đài Loan, thay vì đầu tư 5 tỷ USD như cam kết 8 năm trước đó, đã ký thoả thuận, đầu tư đúng khoản tiền này vào Ấn Độ.
- 22-05-2019PVN mất gần 800 triệu USD vì đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả
- 20-05-2019Uỷ ban Tài chính Ngân sách: Dự án của Ngân hàng Phát triển Việt Nam có tổng mức đầu tư tăng 39 lần
- 19-05-2019Không phân biệt nhà đầu tư nội hay ngoại nếu đủ năng lực
Bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một leo thang khiến các nhà sản xuất không thể "bỏ trứng vào một giỏ": tìm cách dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, dù nước này vẫn được đánh giá cao hơn về cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng.
Trong làn sóng "di cư" này, Pegatron của Đài Loan, nhà sản xuất sản phẩm iPhone lớn thứ hai trên thế giới, đã quyết định chuyển một số dây chuyền của mình ra khỏi Trung Quốc sớm nhất vào đầu tháng 6/2019, theo trang Digitimes. Địa điểm lựa chọn là Indonesia, thay vì Việt Nam như dự định ban đầu.
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam bị "hẫng hụt" vì các nhà sản xuất cho Apple.
Tháng 9/2015, báo chí trong nước đưa tin Foxconn đã quyết định đầu tư 5 tỷ USD để xây một nhà máy mới ở bang Maharashtra ở miền Tây Ấn Độ. Chủ tịch Foxconn, ông Terry Gou đã ký hiêm bản ghi nhớ với Thủ hiến bang, ông Devendra Fadnavis. Dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho 50.000 lao động.
Foxconn đã một bản kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển 10 – 12 cơ sở sản xuất tại Ấn Độ. Việc đặt nhà máy tại đây sẽ giúp tập đoàn giảm chi phí lao động, đồng thời thúc đẩy doanh số bán hàng.
Nhưng cũng trong năm 2015 này, dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp đồ điện tử của Foxconn tại tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam với vốn đầu tư 200 triệu USD đã chính thức bị thu hồi Giấy chứng nhận sau 7 năm không triển khai.
Dự án là một phần trong cam kết mà Foxconn năm 2007 đã ký thuận khung về hợp tác đầu tư với Bộ Kế hoạch & Đầu tư với tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD.
Các dự án khác của tập đoàn này, tính đến năm 2015, như dự án đầu tư hạ tầng ở KCN Bình Xuyên II do chậm triển khai cũng bị điều chỉnh quy mô từ 485 ha xuống còn 45,6 ha. Ở Bắc Ninh, cam kết đầu tư hạ tầng KCN công nghệ cao cũng bị xem là lỡ dở. Các cam kết đầu tư của Foxconn ở Bình Định, Hải Phòng, TP.HCM thậm chí còn không hề được nhắc đến.
Đầu năm nay, tờ Business Times đưa tin Foxconn đang thanh toán 16,5 triệu USD cho công ty Fuhua để đổi lấy quyền sử dụng 250.000m2 đất tại một khu công nghiệp tại Bắc Giang tiếp tục dấy lên những đồn đoán rằng có thể Foxconn sẽ đưa dây chuyền sản xuất iPhone sang Việt Nam.
Nhưng thông tin với báo chí, một lãnh đạo của Ban quản lý KCN Bắc Giang cho biết chưa có một cuộc tiếp xúc nào giữa lãnh đạo địa phương với Foxconn về dự án này. Foxconn vẫn chỉ thực hiện sản xuất một số sản phẩm điện tử và linh kiện tại 3 nhà máy ở Bắc Ninh và Bắc Giang. Trong đó, ở Bắc Giang, Foxconn có 2 cơ sở là Công ty Fuhong (KCN Đình Trám) và FuGiang (KCN Vân Trung).
Cuối năm 2018, Reuters đưa tin Foxconn sẽ sản xuất iPhone tại Ấn Độ, tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới cho quốc gia này. Đồng thời, Foxconn cũng đang lắp ráp điện thoại Xiaomi tại đây và cho biết sẽ đầu tư thêm khoảng 356 triệu USD để mở rộng nhà máy, bao gồm đầu tư vào các dây chuyền sản xuất iPhone.