Trước thềm đón phái đoàn 50 công ty Mỹ bao gồm SpaceX, Boeing..., nhìn lại kết quả của các doanh nghiệp có trên 50% vốn FDI Mỹ tại Việt Nam
Ngành có số lượng doanh nghiệp trên 50% vốn Mỹ nhiều nhất là lập trình, với 87 doanh nghiệp, sử dụng 7,4 nghìn lao động. Ngành bán buôn xếp thứ hai với 66 doanh nghiệp, sử dụng 2,2 nghìn lao động.
Theo ấn phẩm "Tổng điều tra kinh tế năm 2021 – Hoạt động của các doanh nghiệp trên 50% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam" của Tổng cục Thống kê, Mỹ có số doanh nghiệp FATS (doanh nghiệp trên 50% vốn FDI vào Việt Nam) đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), với 543 doanh nghiệp, tham gia khá nhiều vào các ngành sản xuất kinh doanh.
Ngành có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất là lập trình, với 87 doanh nghiệp, sử dụng 7,4 nghìn lao động, bình quân mỗi doanh nghiệp là 85 lao động. Ngành bán buôn xếp thứ hai với 66 doanh nghiệp, sử dụng 2,2 nghìn lao động, bình quân mỗi doanh nghiệp là 33 lao động. Ngoài ra các ngành như tư vấn quản lý, chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn thu hút khá nhiều doanh nghiệp đầu tư.
Doanh thu thuần của các FATS Mỹ đạt 218.784 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Tài sản cố định là 143.467 nghìn tỷ. Xuất khẩu của doanh nghiệp FATS Mỹ đạt 3,908 tỷ USD.
Tính đến 20/12/2022, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam đạt 11,42 tỷ USD với tổng 1.216 dự án. Với số vốn này, Mỹ hiện xếp thứ 11 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. FDI của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi. Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành nhận vốn đầu tư từ Hoa Kỳ nhiều nhất gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu (45,8%), TP. Hồ Chí Minh (12,4%), Bình Dương (9%).
Xét về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư của Mỹ tập trung chủ yếu vào các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống (42,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (32%), cấp nước và xử lý chất thải (5,2%).
Từ đầu năm 2022, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã tăng đầu tư vào Việt Nam. Điển hình như Tập đoàn Quantum (Mỹ) và Công ty cổ phần BB Group (Tập đoàn BBG, Việt Nam) đã ký thỏa thuận với tỉnh Quảng Trị về việc nghiên cứu, hợp tác đầu tư hai dự án quy mô lớn tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Exxon Mobil và Milennium cũng đề xuất các kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án điện khí tại Việt Nam...
Mới đây, Reuters đưa tin, hơn 50 công ty trong các lĩnh vực quốc phòng, dược phẩm và công nghệ, sẽ tham gia vào phái đoàn tới thăm Việt Nam do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tổ chức.
Chuyến thăm của phái đoàn kinh doanh cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với Việt Nam, quốc gia được đánh giá là đang hưởng lợi lớn từ sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất. Phần lớn các công ty tham gia phái đoàn kinh doanh đã có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng, bao gồm Apple, Coca-Cola và PepsiCo.
Ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Hà Nội) cho hay: Hiện doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh. Hiện đang có dòng vốn tỷ USD từ các nhà đầu tư Mỹ đang quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, cơ sở hạ tầng cảng biển, đường sắt của Việt Nam.
Trước đó, cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC), cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác Toàn diện với Hoa Kỳ; hoan nghênh việc Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Thời gian vừa qua, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực.
Về đề xuất của các tập đoàn Mỹ về việc tăng cường, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp quốc phòng, an ninh, Thủ tướng bày tỏ các tập đoàn này đã có các hoạt động hợp tác với Việt Nam, phía Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, ổn định, phát triển, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới, đề nghị phía Hoa Kỳ trao đổi cụ thể với các cơ quan, đối tác phía Việt Nam để thảo luận, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể.
Ông Michael Michalak và lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia đoàn cho biết sẽ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh và tiềm năng hợp tác tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp quốc phòng, an ninh, hàng không, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực..., góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển.
Nhịp sống thị trường